Đang truy cập: 18 Trong ngày: 634 Trong tuần: 1659 Lượt truy cập: 1545671 |
Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022):
“Chia lửa” cùng Thủ đô- Bảo vệ vững chắc bầu trời Đất Tổ
Thiếu tướng Lê Quang Đại - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh
Tròn 50 năm về trước, trong 12 ngày đêm (18-29/12/1972) chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của Đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Ghi tạc vào lịch sử như một trong những trang vàng chói lọi nhất, chiến công này mãi mãi là niềm tự hào bất diệt, biểu tượng rực rỡ sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng và bản lĩnh, tầm cao trí tuệ con người Việt Nam. Cùng với quân và dân cả nước, trong thời khắc ác liệt nhất của trận chiến, lực lượng vũ trang và người dân Phú Thọ đã quả cảm, quật cường đứng lên “chia lửa” cùng Thủ đô, bảo vệ vững chắc bầu trời Đất Tổ, giáng trả bọn giặc trời những đòn thích đáng…
Từ năm năm trước khi xảy ra cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ, ngày 29/12/1967, giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn gì Đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh phá Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Đúng như lời của Người, năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, Đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh, đánh phá trở lại miền Bắc. Ngày 14/12/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn phê chuẩn chiến dịch quân sự “Linebacker II” đánh phá ồ ạt bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng… chủ yếu bằng “siêu pháo đài bay” B-52 nhằm gây sức ép với Chính phủ ta, buộc ta phải chấp nhận điều kiện có lợi cho Mỹ trên bàn đàm phán… Chúng đã sử dụng máy bay chiến lược B-52 gồm: 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có một biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay 6/24 chiếc. Ngoài ra còn có hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: Máy bay gây nhiễu từ xa; máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật; máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Tầm nhìn chiến lược, những dự báo tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp quân và dân miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, trung tâm đầu não của cuộc kháng chiến chủ động chuẩn bị mọi kế sách chống giặc. Thấm nhuần lời căn dặn của Bác và sự chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã phát huy cao độ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện; tập hợp, quy tụ được lực lượng to lớn để thực hiện các nhiệm vụ chuẩn bị và tổ chức chiến đấu, sẵn sàng tâm thế bước vào cuộc chiến khốc liệt không cân sức với kẻ thù hung bạo vượt trội hơn hẳn về phương tiện chiến tranh hiện đại…
Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Níchxơn ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc. Sáng ngày 18/12/1972, Phủ Thủ tướng điện chỉ đạo các bộ, cơ quan và một số địa phương: “Địch có thể ném bom Hà Nội - Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố”. Bộ Tổng tham mưu điện chỉ đạo các đơn vị: “Đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm. Các binh chủng: Pháo cao xạ, tên lửa, ra đa, không quân, pháo binh sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đánh trả máy bay, tàu chiến địch. Tổ chức quan sát, báo động, sơ tán, đào hầm hào, phối hợp với công an và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản…”.
Trong 12 ngày đêm, Đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Bom đạn của giặc đã hủy diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.
Đã lường trước mọi tình huống, Quân ủy Trung ương đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân vừa tổ chức đánh địch vừa nghiên cứu, tổng kết, tìm tòi, sáng tạo cách đánh, kịp thời điều chỉnh tổ chức lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng tránh, đánh trả, bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất tổn thất lực lượng, phương tiện, tính mạng, tài sản của Nhân dân. Quân và dân Thủ đô đã chủ động chuẩn bị về mọi mặt, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, dũng cảm, kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại. Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao. Tướng Gioóc Ếttơ - Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên tạp chí US.Air Forces (Không lực Hoa kỳ): “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”. Trong hồi ký của mình, Níchxơn viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.
Với việc đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ngày 27/01/1973 Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.
Có vị trí chiến lược quan trọng, nơi được lựa chọn phát triển thành phố công nghiệp của miền Bắc XHCN, Vĩnh Phú (Phú Thọ và Vĩnh Phúc hiện nay) là trọng điểm đánh phá trong chiến tranh phá hoại bằng không quân của Đế quốc Mỹ. Cuối năm 1972, nắm được dã tâm của địch, Bộ Chính trị đã chỉ thị cho các binh chủng, các lực lượng vũ trang địa phương chủ động đánh bại mọi bước leo thang mới của đế quốc Mỹ. Bộ Tư lệnh Quân khu Việt Bắc có Chỉ thị số 03 gửi Tỉnh uỷ, Uỷ ban hành chính tỉnh Vĩnh Phú, chỉ rõ trọng điểm phải đối phó với kẻ thù trong bước leo thang mới là thành phố Việt Trì và Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao. Ngày 30/11/1972, Tỉnh uỷ và Uỷ ban hành chính tỉnh đã họp phân tích tình hình và ra Nghị quyết về phòng không sơ tán, tổ chức đánh địch. Thành phố Việt Trì, Nhà máy Supe Phốt phát Lâm Thao, thị xã Phú Thọ có quy định cụ thể về sơ tán và củng cố hầm hào. Học sinh các cấp đều tạm thời nghỉ học. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và Bộ chỉ huy quân sự đã đến từng trọng điểm để kiểm tra công tác phòng không sơ tán và tổ chức chiến đấu. Tại thành phố Việt Trì, các cơ quan và người dân cơ bản đã được sơ tán, lực lượng còn lại bám trụ chiến đấu chủ yếu là bộ đội và dân quân tự vệ. Tỉnh đã huy động 75.413 ngày công để đào đắp công sự trận địa.
Từ ngày 18/12 đến 29/12/1972, Đế quốc Mỹ đã sử dụng 362 lần tốp gồm 1.068 lần chiếc, trong đó có 20 lần tốp, 60 lần chiếc B-52 đánh phá 44 lần trên không phận Vĩnh Phú. Chúng đã trút xuống 6.474 quả bom các loại, chín lần bắn tên lửa, hai thùng bom bi, gần 3.000 tấn bom đạn ném xuống 54 mục tiêu, trong đó có 28 mục tiêu dân cư, 10 mục tiêu kho tàng, xí nghiệp, bốn mục tiêu cầu phà giao thông. Các trọng điểm như Việt Trì, thị xã Phú Thọ, Lâm Thao, Đoan Hùng chúng chủ yếu dùng máy bay F4 và F111 để oanh tạc. Phối hợp chiến đấu để bảo vệ Thủ đô, bảo vệ không phận Đất Tổ, bộ đội tỉnh ta đã hiệp đồng tác chiến chặt chẽ với bộ đội phòng không bắn rơi hai máy bay B-52 của giặc Mỹ, góp phần thắng lợi vào trận “Điện Biên Phủ trên không”, được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng gửi thư khen ngợi.
Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, quân và dân các dân tộc trong tỉnh còn thể hiện rõ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phục vụ chiến đấu, trong sản xuất và bảo đảm giao thông vận tải, thông tin liên lạc, giải quyết hậu quả sau mỗi trận oanh tạc của địch. Khi sân bay Đa Phúc và các huyện, xã lân cận bị đánh phá, tỉnh đã huy động các huyện Thanh Ba, Hạ Hoà, Đoan Hùng, Phù Ninh, Thanh Sơn, Yên Lập giúp đỡ nhân dân các địa phương thuộc hai huyện Kim Anh, Đa Phúc hàng ngàn tấn vật liệu, lương thực, quần áo để sửa chữa nhà cửa, ổn định đời sống... Cùng với đó, các huyện, thành, thị còn động viên hàng ngàn công sửa chữa đường giao thông, cầu phà ở Việt Trì, thị xã Phú Thọ, thu nhặt 288 quả bom chưa nổ...
50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn vẹn nguyên giá trị. Cùng với những bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay về giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, của cấp ủy các cấp; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; tăng cường sức mạnh, ý chí chiến đấu, xây dựng tinh thần chủ động, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng; kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc; nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới..., chiến thắng vang dội này còn là niềm tự hào, tạo động lực, nhân lên sức mạnh để Nhân dân cả nước nói chung và người dân Đất Tổ nói riêng thêm vững tin, khơi dậy ý chí, quyết tâm dựng xây, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vun đắp cuộc sống mới trù phú, thanh bình./.
Người gửi / điện thoại
Đoàn Viết Tiên số điện thoại 0385597113tôi muốn xem toàn bộ văn bản về thu nộp quản lý và sử dụng hội phí Cựu Chiến binh Việt namTrịnh Văn QuangMẫu về thủ tục kết nạp hội viên CCB đơn thứ tự các bướcCHU KIM LINH. 0962299221Kính thưa các bác.cháu tẽn CHU KIM LINH. Cháu xin có đôi lời muốn hỏi. Ông nội của cháu là CHU ÂN LAI. nội của cháu vừa mới mất ngày 08/10/2023. Ông cháu đã 98 tuổi tuổi trẻ ông cháu đã trải qua nhiều...Linh PCT Hội CCB tỉnh Phú ThọBác đã chuyển thông tin này cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh. Cháu và gia đình liên hệ với bác Chiến (0912588040) Chủ tịch Hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh phú Thọ để được tư vấn nhéLinh PCT Hội CCB Phú ThọBác đã chuyển cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh để thông tin và tìm kiếmNguyễn Đình Vinh / ĐT 0966033392Cháu chào các bác ạ. cháu là người nhà của liệt sĩ Nguyễn Đình Vụ hi sinh ngày 28/04/1984 tại chốt 1509, thuộc đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 122 , sư đoàn 313.Hiện tại cháu và gia đình mòn muốn t... |
Bạn biết về chúng tôi từ đâu?
Từ GoogleTừ Bạn Bè Nguồn Khác |
BẢN QUYỀN THUỘC HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH PHÚ THỌ