Diễn đàn của Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ

Đang truy cập: 16
Trong ngày: 270
Trong tuần: 1502
Lượt truy cập: 1060565

SÚNG NỔ CỬA RỪNG

Hữu Phương

SÚNG NỔ CỬA RỪNG (Truyện ngắn)

  Sao mi lại bắn tau? Hức!.. Mi thừa biết, một cái lẩy cò, khẩu AK phun ra một khắc ba viên. Nghĩa là ngực tau hứng trọn cả ba viên đạn của mi. Hức!.. Sao mi lại bắn chính ân nhân của mình? Hức!.. Giải ngũ về làng, mi có chi trong tay? Không gì sất. Không xu tiền cắc bạc. Không ruộng đất trâu bò. Không nghề ngỗng. Không bằng cấp. Có chăng là cái nước da tái bủng tái beo vì sốt rừng. Mi ôm một mớ hồ sơ đi xin việc, đùn hết cửa này sang cửa khác, uốn lưỡi kêu thương cốt kiếm cái chân bảo vệ.

   Nhưng ở đâu người ta cũng lắc đầu quầy quậy. Con vợ mi gầy tong teo, như que củi. Cháo rau đắp đổi, không đủ sữa cho con bú. Thằng bé gần hai tuổi, gầy xanh như con nhái bén. Đầu to đít tóp. Tay cẳng nhẳng nhiu. Hai mắt thô lố. Cái mặt choắt như mặt khỉ con. Cả hai mẹ con ngóng mi xin việc trở về, như ngóng một cơ vận. Biết thế, mi không dám về nhà, thất thểu đi vào nhà tau, ngồi xẹp xuống ghế salon. Tuyệt vọng. Tau nói, đưa hồ sơ đây. Mi không buồn nhấc tay, nói, không ích chi mô! Tau cười nhạt, đợi một tuần nhá. Mi cười còn nhạt hơn, tau đố mi đó! Ba hôm sau, tau ghé nhà, không gặp mi. Vợ mi bảo, mi tìm được chân phụ hồ, nhưng tiền công không đủ gói cơm trưa. Tau nhắn lại, về bảo nó chuẩn bị đi làm. Vợ mi nửa tin nửa ngờ. Không dám nói lời cám ơn. Đúng bốn hôm sau nữa, tau đưa về cho mi tờ quyết định. Mi lật qua lật lại. Rồi đọc từ trên xuống. Lại đọc từ dưới lên. Săm soi từng nét chữ. Rõ ràng chữ ký. Tên người. Và dấu son đỏ chót. Cuối cùng, nước mắt mi ứa ra. Miệng méo dệch. Giọng nghẹn ngào. Mi hỏi, có thật không? Mi thay bộ đồ màu cỏ úa của lính, bằng bộ đồ màu lá cây. Cắt may cũng từa tựa nhau. Cũng mũ mão quân hàm phù hiệu từa tựa nhau. Sắc phục của ngành kiểm lâm. Mi được đưa về giữ một vùng rừng đặc biệt, Vườn quốc gia, di sản thiên nhiên thế giới. Ngày nhận lương đầu tiên, vợ chồng mi soạn một tiệc rượu nhỏ mời tau. Vợ mi thổn thức, nói, vợ chồng em đội ơn bác suốt đời. Tau đáp, có chi, bạn bè thuở chăn bò, giúp nhau tí chút thôi mà. Mi trịnh trọng nâng chén ngang mày, hướng sang tau, nói, trước là bạn bè, từ nay là ân nhân! Tau cũng lo làm công tác dự nguồn. Nguồn ấy chính là mi. Không bằng cấp đừng hòng leo lên. Mi leo càng cao, tau càng được nhờ. Tau quyết đầu tư, vẽ cho mi cái bằng, bằng cách, đẩy mi vào học tại chức,  ngành Luật. Đầu vào đầu ra tau lo tất, kể cả luận văn tốt nghiệp. Mi chỉ việc đến ngồi, điểm danh. Cuối buổi mời các thầy giáo đi uống nước, hát karaoke. Các vị tiến sĩ, giáo sư đáng kính ấy, đến từ Hà Nội, Sài Gòn. Xa vợ con, buồn ngao ngán, được đi hát thích lắm. Điểm học của mi chói ngời. Bằng tốt nghiệp của mi cũng đỏ tựa mặt trời mọc. Bọn bạn bè gác rừng với mi, phục sát cỏ! Súng nổ cửa rừng Có một sự việc bất ngờ xảy ra suýt biến công đầu tư của tau, thành công cốc. Sao mi liều thế? Mi dại dột thế? Vùng này là một rốn nước. Hễ mưa một chút ở thượng nguồn, phía rừng Lào, là nước tống về như thác. Các con khe, các dòng suối, trước đó còn khô không khốc, nước chợt trào dâng, như thể nước tự lòng đất đùn lên. Không ai kịp trở tay. Một cháu gái chăn bò mải chơi bị nước cuốn đi như thanh củi mục, như mớ giẻ rách. Nước vày bé trong con sóng trào sôi. Sông Son gầm gào chảy xiết. Thế mà mi lao ra. Lao như một mũi tên. Mi chộp được đứa bé. Hai cái đầu đen vật lộn cùng nước xoáy. Lúc ẩn lúc hiện. Xa dần. Rồi mất tăm mất tích. Ai cũng bảo, thôi rồi! Chống thuyền đi tìm xác. Tiếng đồng hồ sau, thật bất ngờ, tìm được mi và cháu bé, như hai cái xác chết trôi tái xanh tái ngắt, nằm thoi thóp bên bãi đất ngô. Hú vía!.. Có bằng đại học, mi tức thì nhảy lên ghế trạm trưởng trạm kiểm lâm Trộ Mợng. Sao cái trạm này mang tên Trộ Mợng? Trộ mợng thì cũng như trộ nò, trộ rớ. Bao nhiêu nước trên cánh đồng, trên các khe suối, đều đổ dồn về đây. Bởi thế, bao nhiêu cá tôm, lươn lệch đều đi qua đây. Người ta chặt tre đóng cọc, ken dày hai phía, chỉ chừa một khoảng chính giữa lòng suối, đủ đơm cái mợng. Nước chảy rất ón. Mợng to hơn chẹp, gấp năm gấp bảy nò. Sớm hôm sau lội ra, chỉ việc tháo cái oi ở đuôi mợng, đổ các thứ tôm cá lươn lệch vào sọt mang về. Trạm kiểm lâm này cũng thế, một bên là vực sâu thăm thẳm, nước cuộn xiết, xanh lè. Xanh đến rợn người. Chóng mặt. Đó là một nhánh sông ngầm của thượng nguồn Sông Son, chảy từ phía rừng Lào, dưới quần thể đá vôi mênh mông vắt qua hai nước. Về đây, nó đùn lên sùng sục. Còn bên kia, là lèn đá xanh dựng đứng chọc trời, quanh năm mây phủ. Ở giữa là con đường độc đạo. Con đường như sợi chỉ quanh quất dưới chân núi đá. Ngày xưa, những binh đoàn xe pháo nườm nượp chảy qua đây, sang đất Lào, rồi đi vào các mặt trận phía trong. Kẻ địch biết, nhưng không làm gì được. Lèn cao, đất hiểm, chúng chỉ mỗi cách rải bom tọa độ. Nhưng bom đạn nào vừa với vực sâu và những mái lèn cao ngất kia? Sau chiến tranh, người ta mở rộng, đẽo vào chân lèn, để có hai làn xe chạy. Nhựa láng phẳng phiu. Biển báo cọc tiêu mương rãnh thông suốt. Dân đi rừng thích lắm. Người ta đặt ở cửa rừng này một trạm kiểm lâm. Trăm ngả gỗ lạt, mây song, củi lá, tất tật phải qua đây. Thậm chí, cả lũ chồn cheo khỉ vượn hươu nai cũng qua đây, để xuống bến dưới kia uống nước. Trạm này nó hệt cái trộ mợng. Súng nổ cửa rừng Người đời gọi tau là lâm tặc. Các cấp chính quyền gọi tau là lâm tặc. Mi và đồng nghiệp cũng gọi tau là lâm tặc. Tau không cãi. Nhưng gọi thế, chưa thật chính xác đâu, tau chỉ là kẻ trung gian còn trực tiếp phá rừng, là những nông dân của vùng sơn cước này. Mà ngay cả thế, gọi họ là lâm tặc cũng có chút oan. Hàng trăm đời nay, hàng ngàn năm nay, họ sống nhờ rừng. Gỗ lạt, củi lá, mây song, củ quả, muông thú… đã nuôi sống họ. Giờ rừng cấm, họ sống bằng chi? Vậy, thực sự lâm tặc là ai? Là các đại gia lắm tiền. Không có họ, tau chuyển gỗ về cho ai? Và không có tau đứng ra thu mua, những người nông dân sơn cước nghèo khó lam lũ kia, xẻ lim táu sến kiền kiền về làm gì? Đun bếp chắc! Rừng có hạn. Một cây gỗ huyệnh chí ít cũng bốn, năm chục năm mới khai thác được. Lim sến trắc gụ cũng không dưới một trăm năm. Trong khi các đại gia sinh nở hàng ngày. Mi cứ đến nhà họ mà xem. Ngôi nhà sáng rạng gỗ. Gỗ lát sàn. Gỗ ốp tường. Gỗ đóng trần. Đóng ốp cả phòng vệ sinh. Rồi gỗ cửa ngõ, cầu thang. Gỗ bàn ghế, giường tủ. Từ tầng hầm cho chí tầng áp mái, toàn gỗ nguyên khối. Không thèm chơi thứ gỗ công nghiệp. Không thèm của Đài Loan, Hàn Quốc. Chán, họ sắm ngựa. Dân mình gọi là phản ấy, thường là lim hoặc gỏ. Mỗi bộ ngựa hai tấm. Chân quỳ chạm đầu voi. Mỗi tấm dày một gang, dài gần hai thân người, rộng xấp xỉ mét. Cốt để làm sang, để khoe của. Trưởng giả thế, chứ nằm loại ấy đau lưng lắm. Có nhà sắm mấy bộ, mỗi tầng một bộ. Có vị chuyển ngựa lên các tầng, phải dùng cần cẩu, loại cẩu xây nhà cao tầng ấy. Xong nhà của họ, thì đến nhà con cái dâu rể cháu chắt họ. Nhiều vị đâu chỉ một nhà. Còn có biệt thự ở thành phố này, nơi nghỉ mát nọ. Gỗ chảy khỏi rừng, vì thế, không kể xiết! Rừng quê mình coi như đã phá xong. Nhìn xa thấy mờ mờ xanh xanh, tưởng là rừng, nhưng thực ra, chỉ toàn dây leo và lau lách. Người ta nhác trồng lại rừng gỗ quý. Ngay giữa đại ngàn xưa, thay vì để rừng tái sinh và trồng dặm vào để gây lại rừng, họ tận thu tận diệt rồi đem bạch đàn cao sản trồng xuống. Một thứ ốc bươu vàng không hơn. Loại này chỉ nên trồng ở những vùng cát khô, sa mạc, vùng ven biển. Nó tự sinh sôi khủng khiếp. Hạt theo gió phát tán mọi chiều. Nhưng nó ăn tàn phá hại đất, lại chẳng tạo ra được lớp lá mùn dày hàng gang tay, chẳng giữ ẩm cho đất mùa nắng hạn, chẳng giữ nước, thẩm thấu nước mùa mưa lũ. Năm năm sau họ thu hoạch, để lại những vùng rừng nghèo kiệt hơn, mới sinh ra lũ ống lũ quét, lở núi lở non. Nhà cửa mùa màng tang thương. Bây giờ, chỉ còn vùng rừng cấm, di sản thiên nhiên thế giới này. Nó tựa như một ao nước trong veo, giữa sa mạc cằn khô. Trăm thứ con đều trườn bò tới, tìm cách uống trộm. Lại nữa, gỗ xứ mình là tốt nhất nước đấy. Đặc biệt là lim. Vì nó nằm trên các mái núi đá, giữa các khe đá. Cằn cỗi. Các thớ gỗ sắt lại, cứng như đá. Phải mấy trăm năm mới cho ra gỗ khối. Không phải như rừng Lào, bằng phẳng, tốt tươi, lim cây to và dài, nhưng ruột xốp. Lim xứ mình hết chê. Như người, lim cũng có nhiều loại. Loại cưa ra có bột màu trắng, gọi là lim mỡ. Tốt đấy, nhưng vẫn thua lim vàng (hoàng lim), bột cưa màu vàng. Lim vàng vẫn thua lim xanh. Roòng và rác lim xanh rất dễ phân biệt. Roòng có màu xanh nhạt, rác trắng hồng. Roòng lim xanh cứng tựa sắt. Xẻ khi tươi, lưỡi cưa chạm phải đã nghe xoe xóe. Ê cả răng. Vài đường cưa đã phải thay lưỡi. Khi khô thì khỏi nói, đường cưa tóe lửa. Các đại gia rất mê loại lim này. Giờ nó tập trung nhiều ở thung lũng dưới chân đỉnh U Bò, trung tâm của di sản thiên nhiên thế giới, cách cửa động Thiên Đường vài cây số đường chim bay. Và mi được lệnh giữ nó. Mi chốt ngay cửa rừng hiểm yếu. Trạm Trộ Mợng! Nhưng đồng tiền có sức mạnh ghê gớm. Quyền lực cũng không kém. Cả hai cái đó kết hợp, có sức mạnh vô hình khủng khiếp, thế mà gần mười năm nay mi vẫn trụ vững. Người dân khắp nơi nhiều lúc yêu mến mi, vì mẫn cán bảo vệ rừng. Nhà nước cũng nhiều lần khen thưởng mi, vì bắt được gỗ lậu. Nhà cửa mi cũng đã lên tầng, trong nhà gỗ lạt sáng choang. Vợ con ăn trắng mặc trơn. Quả thật, với mi, công tư trọn vẹn! Mi làm được như vậy, là nhờ có tau điều phối đấy. Mi biết không, đại gia nào xứ này, muốn có gỗ, đều rỉ tai sếp của ngành mi. Rồi sếp của ngành mi, lại rỉ vào tai tau. Tất cả độc lập. Không ai biết ai. Cho nên, tau chính là trộ mợng của các dòng tiền. Các dòng tiền này lại gọi các dòng gỗ lạt trong rừng chảy ra, và đêm đêm chảy qua Trạm Trộ Mợng của mi. Vì thế mà trước mỗi đợt gỗ đi, tau đều mời mi đến quán Thiên Đường làm luật. Ở đó, con bé phục vụ có đôi mắt Đức Mẹ, mi say như say rượu cuốc lủi Võ Xá và món rùa hầm thuốc bắc chúa tể, thơm lừng cả gian phòng. Loại rùa sống ở các khe núi đá không biết bao lâu. Chân to như chân chó. Mi say cả hai thứ. Gái đẹp và rùa hầm thuốc bắc. Nhưng vẫn tỉnh như sáo khi tau tính tiền phần trăm. Cứ năm chuyến gỗ đi, thì một chuyến tau cho mi bắt, để mi lập thành tích. Truyền hình quay đặc tả các phiến gỗ chỏng chơ, bên mấy chiếc xe bò tàn tạ, cùng khuôn mặt mi trong sắc phục kiểm lâm, tươi hơn hớn. Mi ghi điểm trong lòng người dân, và các cấp lãnh đạo. Mi cũng ghi luôn tên mình, vào đội ngũ cán bộ dự nguồn cấp cao hơn… Súng nổ cửa rừng Người đời vẫn gọi tau là lâm tặc. Các cấp chính quyền cũng vẫn gọi tau là lâm tặc. Nhưng khi cơn đói giáp hạt trờ đến, lại khi rét đậm rét hại giết chết, hay khi lũ cuốn trôi, nông dân miền sơn cước này không còn trâu bò cày kéo là tau ra tay. Gạo cứu đói được chuyển về bằng ô tô, tới ủy ban xã, rồi từ đó về tận các thôn bản. Người dân mang thúng đến nhận, theo khẩu. Dân có no, mới đi rừng chặt gỗ được. Hai vụ chiêm mùa, tau cấp trâu bò khỏe cho họ cày bừa. Bò u trâu mờm nhé. Không đùa đâu. Hết cày cấy, thì dùng kéo gỗ cho tau. Mỗi con năm, bảy triệu, họ sẽ được khấu trừ dần vào tiền gỗ bán cho tau, một kiểu đầu tư hai bên đều hài lòng. Khó khăn nhất là việc ăn sưa, khó hơn ăn trầm nhiều. Sưa thường mọc ở các hung sâu. Nó là những thung lũng bé tí giữa mịt mùng quần thể đá vôi bao la như biển, hàng ngàn vạn năm không ai đặt chân tới. Người ăn sưa phải trườn như con thằn lằn, vắt mình trên sóng đá cheo leo nhọn sắc. Mỗi đợt đi hàng chục ngày. Nhiều đợt về không. Nhưng vì giá sưa cao tận mây xanh, nên tau không mảy may đắn đo đầu tư. Mỗi gùi là một nhóm trai tráng. Trong gùi có đầy đủ áo quần bảo hộ, giày cao cổ đế răng cá sấu, găng tay ráp, gạo cơm mắm muối, đường sữa thuốc men, không quên cả rượu. Người ăn trầm rất dễ bị sốt rét. Nhưng người ăn sưa không bị bao giờ. Sưa ở đây có từ vạn thủy. Đạp trúng là gặp đại thụ. Năm ba trai tráng gùi một lúc không xuể, phải đem thu giấu, đào các hầm chôn, hay thu trong các hốc đá. Phải làm dấu để sau quay lại lấy. Phải nghi trang đánh lạc hướng, đề phòng các nhóm khác phát hiện lấy trộm. Sưa đi qua Trộ Mợng của mi, một phần thôi. Đó là sưa khai thác ở các hung gần. Còn sưa khai thác ở các hung xa, sát biên giới Việt – Lào, thì chuyển qua phía đất Lào, rồi quay về đất Việt, bằng con đường khác. Tau đầu tư theo gùi, và thu mua sản phẩm theo thời giá. Rất sòng phẳng. Trả tiền tươi. Dân thích lắm. Sao mi lại bắn tau? Hức!.. Giữa hai ta, ăn chia bao giờ cũng sòng phẳng. Bởi ta có nhau và cần nhau. Mệnh đề luôn đúng hai chiều. Cần và đủ. Nhưng chuyến đêm nay có chút đặc biệt, tau chọn đi đường thủy. Bè tau kết rất khéo. Nhìn thấy bốn phía đều lim, nhưng ở giữa lòng bè, phần chìm dưới nước, là những phách dày gỗ sưa. Gỗ sưa ăn bằng cân. Giá như vàng! Với tau, nhắm mắt cũng biết loại gỗ gì. Bởi tau biết ngửi mùi gỗ. Còn mi phải nhìn tận mắt, mới gọi được tên. Sao mi biết phần chìm dưới nước của bè, có gỗ sưa? Khi quân gia lính tráng tau kết bè dưới vực sâu, cũng là lúc tau mời mi đến quán Thiên Đường. Cả buổi, mi tít mắt với cô em có đôi mắt Đức Mẹ và món rùa hầm thuốc bắc thơm lừng. Mi đâu chứng kiến việc kết bè? Và vì thế cuộc làm luật chỉ diễn ra với bè toàn lim. Nếu có thêm với chừng ấy gỗ sưa, giá phải bằng năm, bảy bè gỗ lim ấy. Ừ thì lần này có sự không mấy sòng phẳng đấy, nhưng sao mi biết chìm dưới nước có gỗ sưa? Mi cho người bí mật theo dõi sao? Hay cây sưa trăm tỉ, nằm lọt thỏm giữa thiên la địa võng quần thể đá vôi, không cánh mà bay, khiến mi nghi ngờ, cho ách lại? Chỉ cần lọt qua đây, tiếng đồng hồ sau, bè tau đã có giữa sông Gianh bao la, với trăm bến bờ gỗ lậu. Ô tô đối tác đã ém chờ. Bốc lên xe xong là tau đút tiền vào túi, và biến mất không tăm tích. Thế mà mi ra lệnh neo bè lại, là sao? Tau điên tiết múa dao lao tới. Lưỡi dao vạch những vòng cung sáng lóa như những tia chớp, đủ chết giấc những ai yếu bóng vía. Là tau dọa thôi. Uy hiếp thôi. Để mi rút lại cái lệnh kia. Đâu có chém thật. Bởi bản thân con người mi, là một phần trong chiến lược đầu tư của tau kia mà! Sao mi lại bắn tau? Hức!.. Hay sau vụ cây sưa trăm tỉ, tay hạt trưởng cấp trên của mi bị dính đòn, và mi thấy thời cơ đã đến, cần có động thái mạnh để thể hiện mình? Dễ ợt. Nếu muốn, ngay ngày mai, tau cho mi bắt một mẻ, vài chục khối, giữa thanh thiên bạch nhật. Tên tuổi mi chẳng nổi như cồn sao? Sao mi lại bắn tau? Hức!.. Hay sau chừng ấy quãng đường, tay trót nhúng chàm, trái tim trong mi chợt tỉnh thức? Nó cảnh cáo mi đã bắt tay kẻ thù của rừng, để một phần tài nguyên của Tổ quốc mất mát. Nó nói thẳng với mi rằng, mất rừng là mất tất cả, mất luôn cả cái di sản thiên nhiên thế giới này, bởi mất rừng là mất hệ sinh thái phong phú có một không hai. Mất cả thảm thực vật đa dạng. Mất cả hệ động vật quý hiếm, chỉ còn lại là một biển mênh mông xác đá vôi đã chết. Như nấm mồ. Trơ trọi dưới trời giông gió, không ngăn được cơn thịnh nộ của thiên nhiên giáng xuống. Và con người như những sinh linh bé nhỏ, tang thương trong cơn cuồng phong của vũ trụ! Hôm qua trên mạng, có một bài viết làm cả tau cũng giật mình. Rằng Việt Nam, sắp là nước không có rừng. Đau đấy. Nhưng là cái đau chung. Rừng chung mất, nhưng nhà riêng vẫn phải có gỗ. Và máu rừng vẫn vô tình chảy. Chảy vô tư… Có phải chính những gì xảy ra, đã chạm phải bản lĩnh người lính ngủ quên trong mi, khiến nó vùng lên, quyết chặt đứt cái guồng máy phá rừng vô hình đang quay tít kia, mà trong đó, mắt xích quan trọng nhất, thao túng mọi ngõ ngách, chính là tau. Và những người như tau? Tau thậm chí không thể biết được, cái ý chí ngún cháy trong đầu mi bao năm nay. Cái ý nghĩ sục sôi trong đầu mi lúc này. Nhưng bây giờ, biết cũng chẳng làm gì nữa. Mi đã lẩy cò. Súng đã nổ. Ngay chính cửa rừng này. Và ngực tau đã hứng trọn ba viên đạn từ khẩu AK của mi. Máu đã ướt đẫm hai vạt áo tau. Hức!.. Tau sắp chết rồi. Hức!.. Nhưng là chỗ bạn chăn bò và bạn làm ăn, mi phải giúp tau việc cuối cùng này. Nghĩa tử nghĩa tận đấy! Mi lột chiếc nhẫn ở ngón tay, đưa về cho vợ tau. Và lấy sau túi quần, cái thẻ ATM, đưa sang bên kia sông, cho con bồ non của tau. Cô giáo Ánh Mai ấy, ở trường tiểu học Cây Lim. Cô ấy biết mật mã đấy. Ánh Mai đang nuôi thằng con trai của tau. Thằng bé rất kháu…  Tội nghiệp con bé, hoa khôi của trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh đấy. Không biết nghe ai xúi giục, hay bản tính tuổi trẻ, một giây bồng bột trỗi dậy mà làm đơn tình nguyện lên dạy miền núi và được phân về cái trường heo hút dưới chân lèn ấy. Sau này, khi chỉ còn hai đứa, tau và nàng, nàng bộc bạch tất cả. Sau mỗi buổi chiều tan học, ai về nhà nấy, chỉ còn lại một mình nàng hiu hó. Buồn như chó chết con ngồi thu lu trước chân lều. Một ngôi lều tạm bợ, lợp bằng mấy tấm lá cọ, đến cái chỗ tắm cũng không có. Đêm rừng sâu như vô tận. Tiếng từ quy gõ buốt canh trường. Gõ mòn tuổi trẻ. Nàng thấm thía nỗi thiếu thốn. Thấm thía nỗi cô đơn. Thấm thía nỗi sợ hãi. Đến cả lũ khỉ trên lèn, cũng nhận ra sự sợ hãi của nàng. Chúng tiến lại mỏm đá gần nhất, chỉ trỏ trêu đùa. Có con còn vạch dái ra gãi trước mặt nàng. Nàng khiếp đảm rú lên. Tiếng rú thất thanh bất ngờ, được các vách lèn cộng hưởng, rền vang, khiến lũ khỉ cũng bị một phen giật mình, bỏ chạy. Súng nổ cửa rừng Về sau chúng lờn mặt, chẳng sợ nữa. Có con sà xuống vườn trường, nơi có vạt ngô lai thí điểm vừa chắc hạt. Nàng lấy đá ném đuổi. Chúng cũng nhặt đá ném lại. Có hôm chúng đông quá, đá ném vào nàng như mưa rơi. Buộc nàng phải bỏ chạy ra phía bờ sông, mặt cắt không ra hạt máu. Cũng vừa lúc bè tau trờ đến. Nhưng khuôn mặt đang tái mét của nàng, lập tức chuyển sang gam kiêu kỳ. Ánh mắt nàng nhìn tau, như chó nhìn thóc. Con bè lao nhanh. Thượng nguồn sông Son nước chảy xiết. Tau chỉ liếc nàng được nửa giây, nhưng sắc đẹp của nàng ở lại trong tau vĩnh viễn. Tau lập tức lên kế hoạch tấn công. Con gái loại này không vồ vập được đâu. Không như đàn bà con gái ở các làng bản kia, tau chưa mở lời, đã leo lên giường. Đầu tiên là cuộc giả vờ đi săn, lạc vào nhà trường, được ông hiệu trưởng già tiếp nước. Tau hỏi về chuyện sách vở. Ông bảo rất thiếu. Hai hôm sau tau mang đến một gói tiền tặng nhà trường xây dựng tủ sách. Ông hiệu trưởng mừng lắm, tập trung giáo viên và học sinh toàn trường thông báo. Mọi người vỗ tay như sấm. Nàng cũng vỗ tay. Tau giả vờ đi thăm nơi ăn ở giáo viên. Ông hiệu trưởng đi theo. Nhìn nơi ở của nàng, tau nói, không được. Phải an cư mới lạc nghiệp. Hiệu trưởng nói, xã này nghèo lắm, đang xin huyện, không biết bao giờ có. Tau nhẩm qua giá thành một cái nhà hai gian, cấp bốn, đoạn trở về văn phòng, nói, doanh nghiệp tôi sẽ hỗ trợ nhà trường, xây nhà ở giáo viên. Hiệu trưởng mừng suýt khóc. Hai tháng sau, nàng có phòng ở, tường gạch mái ngói. Tau thành khách quý của trường. Thành người của trường. Ngày Nhà giáo năm đó, tau đến trường cả ngày. Giúp bí thư đoàn là nàng làm báo tường, tổ chức liên hoan văn nghệ. Tau làm cả thơ, ngâm trước hội đồng giáo viên. Dẫu còn đây gỗ ghép bàn kê. Một nét chữ cũng đổi bằng gian khó. Tau cùng nàng còn song ca. Rất ăn ý. Mọi người vỗ tay không ngớt. Nàng thầm cám ơn tau lắm. Sau đó thì tau đến với nàng một mình, vào giờ trường hoang vắng nhất. Nàng ôm chầm tau mà khóc. Nước mắt tau cũng ứa ra. Nàng khóc vì vợi bớt nỗi cô đơn. Tau khóc vì sung sướng. Lát sau thì tau rứt ra đi. Tự nhủ là chưa vội đặt nụ hôn. Chừng nào nàng chưa chín nẫu. Hôm sau nữa vào ngày chủ nhật, tau đến với một con gà, một chai rượu vang. Thịt gà rượu vang, với phụ nữ, bắt lắm. Má nàng chín như trái hồng. Phừng phừng. Mắt nàng lóng lánh màu thủy ngân. Hai đứa song ca trong men rượu. Những bài tình ca mê mẩn. Mềm muội cả tâm hồn. Đôi môi ướt mọng của nàng đón nhận nụ hôn của tau. Nồng nàn. Thơm tho. Nhưng tau quyết chỉ dừng lại đó. Không lấn thêm. Gần một tháng sau tau đến. Cũng một ngày chủ nhật. Trời rây mưa. Mưa giăng mờ các mái núi. Giăng lưới buồn vây bọc ngôi nhà bé nhỏ. Tao đứng với cân thịt lợn rừng đỏ au, chôn chân trước cửa phòng khép kín của nàng. Đứng rất lâu. Không gõ cửa. Không mở lời. Cuối cùng, hình như không chịu nổi sự đợi chờ, nàng lên tiếng, có chút hờn dỗi, sao anh không vào đi? Cửa có cài then đâu. Hai đứa lao vào nhau, như hai thỏi nam châm, trong tâm trạng khát cháy. Sự đợi chờ như dây cháy chậm. Và thùng thuốc đã nổ. Nóng bỏng và ngọt ngào. Như cây cỏ mùa hạ được mưa. Hả hê và nhuần nhị… Tau ở với nàng một ngày và một đêm. Sáng hôm sau, nàng tiễn tau như tiễn một người chồng. Tràn trề hạnh phúc. Đôi mắt ướt lóng lánh. Đôi môi thắm thì thầm lời vàng đá. Tau sắm cho nàng tất cả những gì mà con gái thành thị mơ ước: Xe máy tay ga, điện thoại xịn, áo quần váy vúng, giày dép thời trang. Một hôm, tau nói với nàng, khi đang nằm bên nhau, anh làm nghề buôn gỗ. Nàng nhỏm dậy, cười, là lâm tặc sao? Phải. Em có ân hận không? Nàng đấm yêu vào ngực tao, bảo, mặc kệ! Lâm tặc mà ga lăng như anh, có được mấy người? Khi nàng sinh con, tau đã mua cho nàng một đám đất ở ngoài thị trấn. Dự định sẽ xây nhà, và chuyển nàng ra đó ở. Mọi cái đang ở phía trước. Hứa hẹn dài lâu… Sao mi lại bắn tau? Hức! Cái lẩy cò của mi như lưỡi gươm oan nghiệt. Phũ phàng chặt đứt sự nghiệp của tau, mạch sống của tau, tình yêu của tau! Nhưng súng đã nổ. Đạn đã xé tan ngực tau. Mặt đất sụm xuống. Những mái lèn xoay tròn. Cả cánh rừng xoay tròn. Khúc sông cũng xoay tròn. Và bầu trời sụp xuống, tối mịt. Hức!.. Bây giờ tau chết rồi. Nàng sẽ rất đau khổ. Góa bụa. Và côi cút. Hức!.. Mi nhắn với Ánh Mai rằng, tau rất yêu nàng. Rằng, hãy nuôi dạy thằng bé, nên người tử tế. Đừng theo nghiệp của tau… Hức!.. Hức!.. Hức!…

                                                                           H.P

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Đoàn Viết Tiên số điện thoại 0385597113

tôi muốn xem toàn bộ văn bản về thu nộp quản lý và sử dụng hội phí Cựu Chiến binh Việt nam

 

Trịnh Văn Quang

Mẫu về thủ tục kết nạp hội viên CCB đơn thứ tự các bước

 

CHU KIM LINH. 0962299221

Kính thưa các bác.cháu tẽn CHU KIM LINH. Cháu xin có đôi lời muốn hỏi. Ông nội của cháu là CHU ÂN LAI. nội của cháu vừa mới mất ngày 08/10/2023. Ông cháu đã 98 tuổi tuổi trẻ ông cháu đã trải qua nhiều...

 

Linh PCT Hội CCB tỉnh Phú Thọ

Bác đã chuyển thông tin này cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh. Cháu và gia đình liên hệ với bác Chiến (0912588040) Chủ tịch Hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh phú Thọ để được tư vấn nhé

 

Linh PCT Hội CCB Phú Thọ

Bác đã chuyển cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh để thông tin và tìm kiếm

 

Nguyễn Đình Vinh / ĐT 0966033392

Cháu chào các bác ạ. cháu là người nhà của liệt sĩ Nguyễn Đình Vụ hi sinh ngày 28/04/1984 tại chốt 1509, thuộc đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 122 , sư đoàn 313.Hiện tại cháu và gia đình mòn muốn t...

 
Xem toàn bộ
Công ty TNHH Đất Việt PROLAB

Bạn biết về chúng tôi từ đâu?
Từ Google
Từ Bạn Bè
Nguồn Khác

 BẢN QUYỀN THUỘC HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH PHÚ THỌ

                    Phố Tân Việt, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
                   Tel/fax: 02103 847 644 - Email: ccbphutho@gmail.com; tên miền hoiccbphutho.com
                    Chịu trách nhiệm xuất bản: Thiếu tướng LÊ QUANG ĐẠI - Chủ tịch Hội
                   Chịu trách nhiệm nội dung: Đại tá HẠ BÁ LINH - Phó Chủ tịch Hội