Diễn đàn của Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ

Đang truy cập: 6
Trong ngày: 73
Trong tuần: 1220
Lượt truy cập: 1499157

QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH

- Căn cứ vào Pháp lệnh Cựu chiến binh và Điều lệ Hội Cựu chiến binh Việt Nam;

- Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII; Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội CCB tỉnh Phú Thọ và Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Hội CCB tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 2017 - 2022;

- Căn cứ vào Thông tư số 40/2017/TT-TBTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị và các quy định liên quan của HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ:

Thường trực Hội CCB tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2022 quyết định ban hành Quy chế hoạt động của cơ quan Hội CCB tỉnh như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh

1 - Quy chế này quy định về nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc;  chi tiêu thường xuyên và quản lý, sử dụng tài sản công của cơ quan Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Thọ.

2 - Cán bộ, nhân viên trong cơ quan; các tổ chức, cá nhân có mối quan hệ làm việc với cơ quan Hội chịu sự điều chỉnh của Quy chế này.

Chương II

NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA CƠ QUAN

Điều 2: Cơ quan Hội CCB tỉnh hoạt động tuân thủ theo pháp luật của Nhà nước và Điều lệ Hội CCB Việt Nam (CCBVN); sự chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội CCBVN, các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy; sự quản lý Nhà nước của UBND tỉnh; sự phối hợp hoạt động với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các đoàn thể chính trị xã hội tỉnh và các sở, ban, ngành địa phương có liên quan; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng đoàn Hội CCB tỉnh mà trực tiếp là cấp ủy chi bộ cơ quan Hội CCB tỉnh, Thường trực BCH tỉnh Hội và sự chỉ đạo điều hành trực tiếp của Chủ tịch Hội CCB tỉnh theo nguyên tắc tập trung thống nhất về mọi mặt.

Điều 3: Bám sát mục đích, yêu cầu nhiệm vụ của Hội, Đảng đoàn và chi bộ cơ quan; thường xuyên quán triệt, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng,  chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Tỉnh uỷ, hướng dẫn của TW Hội CCB Việt Nam và các cơ quan chức năng của Tỉnh ủy. Kết hợp chặt chẽ giữa phát huy dân chủ với tăng cường trách nhiệm cá nhân theo cương vị công tác được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Lãnh đạo tỉnh Hội giao.

Điều 4: Các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch, uỷ viên thường vụ, uỷ viên Ban Chấp hành, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công trong quy chế làm việc của Ban Chấp hành tỉnh Hội, chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành và Ban Thường vụ tỉnh Hội về các nhiệm vụ được phân công.

Điều 5: Cán bộ, nhân viên thuộc các ban và Văn phòng (sau đây gọi chung là các Ban) thực hiện nhiệm vụ theo chức trách, vị trí công tác được giao dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo các ban. Các trưởng ban chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo tỉnh Hội về kết quả thực hiện chức trách, chức năng, nhiệm vụ của ban mình và những nhiệm vụ công tác khác được Đảng đoàn, Thường trực, Thủ trưởng cơ quan giao.

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN  CỦA CHỦ TỊCH, PHÓ CHỦ TỊCH VÀ CÁC BAN, VĂN PHÒNG

Điều 6: Trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

1 - Nguyên tắc làm việc:

1.1 - Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách và chịu trách nhiệm chính đối với nhiệm vụ được phân công.

1.2 - Chủ tịch Hội thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác theo quy định của Pháp lệnh, Điều lệ Hội và sự lãnh đạo, điều hành trực tiếp của Tỉnh ủy Phú Thọ, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Giúp Chủ tịch Hội là các Phó Chủ tịch Hội được phân công một số mặt công tác và chịu trách nhiệm trước Đảng đoàn, Chủ tịch Hội về kết quả triển khai thực hiện các mặt công tác được phân công. Trong trường hợp vắng mặt, Chủ tịch Hội chỉ định một Phó Chủ tịch thay mặt Chủ tịch điều hành, giải quyết công việc của Hội.

1.3 - Các Phó Chủ tịch giải quyết công việc theo đúng thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ được giao. Khi giải quyết công việc được phân công, những vấn đề có liên quan đến chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, các văn bản gửi cấp ủy, các ban, ngành trung ương, địa phương hoặc vấn đề nhạy cảm phải báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch trước khi ký ban hành. Trong quá trình giải quyết công việc được giao, nếu có vấn đề liên quan đến lĩnh vực do Phó Chủ tịch khác phụ trách thì chủ động trao đổi thông tin, phối hợp để giải quyết. Trường hợp có ý kiến khác nhau, những vấn đề mới nảy sinh chưa quy định hoặc chưa có chủ trương thì phải báo cáo Chủ tịch xem xét, quyết định.

1.4 - Chủ tịch, các Phó Chủ tịch điều hành, sử dụng cơ quan chuyên môn giúp việc theo lĩnh vực được phân công.

  1. Nhiệm vụ và quyền hạn.

2.1- Đồng chí Chủ tịch Lê Quang Đại:

  1. Thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Chủ tịch Hội, Bí thư Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh tỉnh và thành viên HĐND tỉnh. Chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, Trung ương Hội, Đảng đoàn Hội Cựu chiến binh về toàn bộ hoạt động xây dựng, thực hiện nhiệm vụ và các mặt công tác của Hội Cựu chiến binh tỉnh.
  2. Trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Quy hoạch, kế hoạch hoạt động của Hội Cựu chiến binh tỉnh trong nhiệm kỳ;

- Nội dung các cuộc họp Đảng đoàn, Thường trực, Ban Thường vụ, Ban chấp hành tỉnh Hội;

- Công tác đối ngoại; công tác xây dựng tổ chức, biên chế, cán bộ Hội; công tác chuyên môn Văn phòng và Tài chính;

- Chủ tài khoản của Hội Cựu chiến binh tỉnh;

- Là người phát ngôn của Hội CCB tỉnh;

- Chủ tịch Hội đồng tiền lương cơ quan Hội (Ban Tổ chức - Chính sách);

- Cụm trưởng Cụm công tác thi đua số 2;

  1. Tham gia các tổ chức, Hội đồng, Ban chỉ đạo (Có cơ quan giúp việc):

- Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Hội CCB tỉnh (Ban T.giáo - V.phòng);

- Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh (Văn phòng, Ban Kiểm tra);

- Ủy viên UBMTTQVN tỉnh Phú Thọ (Ban Kiểm tra - Văn phòng);

- Ủy viên Hội đồng Thi đua  - Khen thưởng tỉnh (Ban T.giáo - V.phòng);

- Ủy viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (Ban Kinh tế);

- Ủy viên Hội đồng nghĩa vụ Quân sự tỉnh (Văn phòng);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tỉnh (Ban TCCS);

- Ủy viên Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh (Ban Tuyên giáo);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh (Ban Kinh tế);

- Ủy viên Ban công tác Người cao tuổi tỉnh (Ban TCCS);

- Ủy viên Hội liên hiệp hữu nghị tỉnh (Văn phòng);

- Ủy viên Ban vận động quỹ "Vì người nghèo của tỉnh" (Ban TCCS);

- Ủy viên Ban An toàn giao thông tỉnh (Ban Tuyên Giáo).

- Thành viên BCĐ dồn đổi, tích tụ đất đại tỉnh;

  1. Phụ trách:

- Phụ trách chung cơ quan tỉnh Hội;

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi khâu đột phá “Cải cách, đổi mới nâng cao chất lượng tổ chức Hội ở cơ sở, chi Hội và phân Hội” và một số các đơn vị, theo phân công hàng năm.

2.2- Đồng chí Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Lễ:

  1. Là Thủ trưởng cơ quan Hội CCB tỉnh, chịu trách nhiệm trước Đảng đoàn, Chủ tịch Hội CCB tỉnh các công việc được phân công; trực tiếp chỉ đạo, điều hành xây dựng cơ quan theo chuẩn cơ quan văn hóa.
  2. Giúp Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Được chủ tài khoản ủy quyền ký một số nhiệm vụ chi tài chính cho các hoạt động của cơ quan tỉnh Hội.

- Thực hiện nhiệm vụ phối hợp giữa Hội CCB với UBND và các sở, ban, ngành thuộc khối UBND tỉnh;

- Tham gia chỉ đạo diễn tập KVPT và các cuộc diễn tập khác do tỉnh chỉ đạo;

- Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống CCB; tham gia các chương trình kinh tế:

+ Hoạt động kinh tế đối ngoại của Hội;

+ Các dự án đầu tư và công tác xây dựng cơ bản của cơ quan;

  1. Tham gia các tổ chức, Hội đồng, Ban chỉ đạo (Có cơ quan giúp việc):

- Ủy viên Ban Chỉ đạo Chương trình giảm nghèo tỉnh (Ban Kinh tế);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo Giao thông nông thôn tỉnh (Ban Kinh tế);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng của tỉnh (Ban Kinh tế);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo Phòng không Nhân dân tỉnh (Văn phòng);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo Xây dựng gia đình văn hóa tỉnh (Ban Tuyên giáo);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh (Ban Tuyên giáo);

- Ủy viên Ban Quản lý điều hành Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" tỉnh (Ban Tổ chức-Chính sách);

- Ủy viên Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình của tỉnh (Ban Tổ chức - Chính sách);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh (Ban Kinh tế);

- Ủy viên BCĐ Đề án "XDXH học tập" GĐ 2012 - 2022 của tỉnh;

- Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng cơ quan Hội CCB tỉnh (Văn phòng);

- Trưởng ban Quản lý, điều hành Quỹ "Nghĩa tình Cựu chiến binh - Khuyến học" tỉnh Hội (Ban Kinh tế);

  1. Phụ trách: Công tác nội bộ, hành chính cơ quan tỉnh Hội;

- Ban Kinh tế;

- Công tác hành chính đối với Văn phòng, Tài chính;

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi khâu đột phá “Phát triển kinh tế hộ gia đình, gia trại, trang trại của CCB theo hướng liên doanh, liên kết hiệu quả, bền vững” và các đơn vị theo phân công của Chủ tịch hàng năm; 

2.3 - Đồng chí Phó Chủ tịch Phạm Đức Thọ.

  1. Chịu trách nhiệm trước Đảng đoàn, Chủ tịch, các công việc được phân công.
  2. Giúp Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo các lĩnh vực công tác:

- Thực hiện nhiệm vụ phối hợp giữa Hội CCB với các ban Đảng, các đoàn thể; Công an tỉnh, sở LĐTBXH, Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ, Hội khuyến học của tỉnh và những vấn đề chính sách liên quan đến Cựu chiến binh, chính sách hậu phương quân đội; công tác chính sách của Hội;

- Thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2102 - 2020 tỉnh;

- Theo dõi, phối hợp tư vấn hoạt động của các Ban liên lạc truyền thống (Quân đội), công tác Cựu quân nhân;

- Giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, tuyên truyền, thi đua, khen thưởng;

- Phong trào thi đua của Hội;

- Nhiệm vụ CCB tham gia giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ;

- Xây dựng, hoạt động của tổ thông tin, nắm dư luận CCB tỉnh;

- Tham gia công tác giáo dục quốc phòng;

- Công tác nghiên cứu, tham gia xây dựng các dự án, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến CCB và Hội CCB Việt Nam; các dự thảo quy phạm pháp luật được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước đề nghị cho ý kiến;

- Công tác pháp chế, trợ giúp pháp lý và phổ biến giáo dục pháp luật cho Cựu chiến binh;

- Theo dõi chỉ đạo hoạt động về công tác Đối ngoại Nhân dân, công tác Thanh tra và Khối pháp chế.

- Công tác kiểm tra, giám sát và phản biện xã hội; công tác phòng chống tham nhũng. Xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật tổ chức Hội và hội viên theo phân cấp;

- Được Chủ tịch ủy quyền là người phát ngôn của Hội CCB tỉnh;

  1. Tham gia các tổ chức, Hội đồng, Ban chỉ đạo (Có cơ quan giúp việc):

- Ủy viên Ban Chỉ đạo Rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại (Ban Tuyên giáo);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh (Ban Tuyên giáo);

- Ủy viên Ban chỉ đạo Dân chủ - Pháp luật của MTTQ tỉnh (Ban Kiểm tra);

- Ủy viên Ban Chỉ đạo 24 của tỉnh về việc thực hiện chế độ cho dân công hỏa tuyến theo QĐ 49 của Thủ tướng Chính phủ (Ban Tổ chức-Chính sách);

- Hội thẩm Tòa án Nhân dân tỉnh;

- Tham gia Ban Chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của tỉnh (Ban TC-CS);

- Tham gia Ban Chỉ đạo của tỉnh về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (Ban kiểm tra).

- Thành viên Ban Chỉ đạo xác nhận người có công của tỉnh.

- Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh (Ban Tuyên giáo);

- Báo cáo viên của Tỉnh ủy;

- Cộng tác viên dư luận xã hội của Tỉnh ủy;

- Ủy viên Ban Đại diện người cao tuổi của tỉnh

- Tham gia phụ trách, chỉ đạo công tác khuyến học của Hội CCB tỉnh (Ban TCCS) và một số tổ chức Hội của tỉnh như: Hội nạn nhân chất độc da cam/điôxin; Hội trẻ em mồ côi và khuyết tật …

- Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trong Hội (Ban Tuyên giáo).

  1. Phụ trách:

- Ban Tuyên giáo;

- Về hành chính Ban Tổ chức - Chính sách và  công tác hành chính, chuyên môn về công tác Kiểm tra, công tác Chính sách;

- Trực tiếp chỉ đạo, theo dõi khâu đột phá “Xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng” và các đơn vị, theo phân công của Chủ tịch hàng năm.

Điều 7: Trách nhiệm, quyền hạn của Văn phòng, các ban

1 - Văn phòng:

Là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành, trực tiếp là tham mưu giúp Thường trực, Ban Thường vụ tỉnh Hội về lãnh đạo và điều hành các hoạt động của Hội, đồng thời là cơ quan đảm bảo các điều kiện làm việc của Ban Chấp hành; của cơ quan tỉnh Hội và làm công tác thi đua khen thưởng trong Khối; Hội đồng thi đua khen thưởng của tỉnh có trách nhiệm:

- Xây dựng và phối hợp tham mưu giúp Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tổ chức thực hiện chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành, kế hoạch công tác năm, quý, tháng, quy chế làm việc của cơ quan tỉnh Hội.

- Tham mưu giúp Thường trực, Thường vụ, Ban chấp hành về Hội Cựu chiến binh tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; công tác dân vận của Đảng; chương trình phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh với UBND; công tác tuyển quân, diễn tập khu vực phòng thủ...

- Tổng hợp tình hình hoạt động của Hội báo cáo hàng tháng, hàng quý, 6 tháng và tổng kết năm. Báo cáo bất thường với Trung ương Hội, thường trực Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân và các cơ quan đơn vị liên quan (nếu có). Soạn thảo các thông báo, kết luận, nghị quyết của Ban chấp hành, Ban thường vụ và Thường trực tỉnh Hội.

- Tổ chức bảo đảm cho các hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Đảng đoàn và các hội nghị khác khi được lãnh đạo phân công.

- Đảm bảo các điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức cơ quan tỉnh Hội như:

+ Phối hợp với các ban tổ chức công tác thông tin, tư liệu phục vụ lãnh đạo.

+ Tiếp nhận, phát hành và quản lý các tài liệu của Tỉnh hội.

+ Quản lý tập trung công tác đánh máy vi tính, văn thư, lưu trữ của tỉnh Hội.

+ Tổ chức tiếp khách, cán bộ, hội viên và Nhân dân đến cơ quan làm việc. Tiếp nhận và chuyển giao cho các cơ quan có trách nhiệm giải quyết những đơn thư gửi đến tỉnh Hội.

+ Phối hợp các ban có liên quan, tổ chức bảo đảm các điều kiện làm việc, sinh hoạt tại trụ sở cơ quan tỉnh Hội.

- Giúp việc cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch về nội dung công việc khi tham gia vào các tổ chức chỉ đạo, điều hành của tỉnh như Ban chỉ đạo, Ban công tác, Hội đồng, Hội …).

- Chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Văn phòng cho các cấp Hội.

2 - Ban Tổ chức - Chính sách:

 Là cơ quan tham mưu, đề xuất trực tiếp giúp Thường trực, Thường vụ, BCH, về công tác Tổ chức, Cán bộ và Chính sách; giúp Đảng đoàn cơ quan về công tác hành chính, chuyên môn, có trách nhiệm: 

- Nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội, công tác xây dựng Hội trong sạch vững mạnh về tổ chức, tham gia giúp đỡ hoạt động của các Câu lạc bộ Cựu quân nhân, Ban liên lạc truyền thống.

- Giúp Thường trực tỉnh Hội về công tác cán bộ, theo dõi nắm nguồn cán bộ, làm quy hoạch cán bộ, kiện toàn tổ chức, xây dựng cơ quan tỉnh Hội và các huyện, thành, thị Hội, các đơn vị trực thuộc (Khối 487).

- Tổng hợp các ý kiến tham gia đề xuất với cấp uỷ, chính quyền thực hiện các chính sách chế độ có liên quan đến CCB, góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên Cựu chiến binh.

- Giúp việc cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch về nội dung công việc khi tham gia vào các tổ chức chỉ đạo, điều hành của tỉnh như Ban chỉ đạo, Ban công tác, Hội đồng, Hội …).

- Sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức với các cấp Hội.

- Giúp Đảng đoàn cơ quan chuẩn bị các văn bản cho hội họp, chỉ đạo và báo cáo. Chủ trì công tác tổ chức và phối hợp tổ chức các hội nghị của Đảng đoàn.

  3 - Ban Tuyên giáo

Là cơ quan tham mưu, đề xuất trực tiếp giúp Thường trực, Ban Thường vụ, BCH về công tác tuyên truyền, giáo dục và công tác thi đua khen thưởng theo ngành dọc của các cấp Hội, có trách nhiệm:

- Nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn phối hợp tổ chức thực hiện công tác xây dựng Hội trong sạch vững mạnh về chính trị tư tưởng, chăm lo đời sống văn hoá tinh thần của cán bộ, hội viên.

- Nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn và theo dõi tổ chức thực hiện công tác thi đua và khen thưởng của Hội (thuộc nội bộ Hội CCB).

- Hướng dẫn phối hợp tuyên truyền giáo dục tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ về quốc phòng an ninh, giáo dục thế hệ trẻ, giáo dục phát luật. . .

- Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ Hội các cấp.

- Tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền hoạt động của Hội trên các phương tiện thông tin đại chúng của trung ương, địa phương và của Hội.

- Biên tập tài liệu tuyên truyền, quản lý các phương tiện công tác tư tưởng như bản tin nội bộ, ảnh, báo chí và các tài liệu tuyên truyền theo đúng quy định của Nhà nước.

- Giúp việc cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch về nội dung công việc khi tham gia vào các tổ chức chỉ đạo, điều hành của tỉnh như Ban chỉ đạo, Ban công tác, Hội đồng, Hội …).

- Sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tuyên truyền và thi đua khen thưởng với các cấp Hội.

4 - Ban kinh tế:

 Là cơ quan trực tiếp tham mưu, đề xuất giúp Ban Thường trực, Ban Thường vụ, BCH trong tổ chức, động viên CCB nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, phấn đấu giảm nghèo bền vững, làm giàu hợp pháp. Tham gia tích cực và có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước, có trách nhiệm:

- Nghiên cứu, đề xuất với Thường vụ, lãnh đạo tỉnh Hội những nội dung về kinh tế, đời sống, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chương trình phát triển sản xuất, tạo việc làm, giảm nghèo, sản xuất kinh doanh giỏi. Theo dõi và chỉ đạo thực hiện chương trình ký kết phối hợp giữa tỉnh Hội với Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - Môi trường, Liên minh HTX tỉnh và các cơ quan khác trong thực hiện các nhiệm vụ về kinh tế - đời sống.

- Nghiên cứu, xây dựng, hướng dẫn các cấp Hội, hội viên tham gia các chương trình, kế hoạch kinh tế - đời sống đối với hội viên theo chỉ đạo của Trung ương Hội.

- Phối hợp với kế toán nghiên cứu trình lãnh đạo Thường trực Hội quyết định về sử dụng quỹ vốn do Trung ương Hội, các đơn vị, cá nhân hỗ trợ để phát triển kinh tế xã hội. Giúp lãnh đạo Tỉnh Hội theo dõi vốn uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội; lập phương án phân bổ các nguồn vốn, nguồn hỗ trợ; xem xét các đề án làm kinh tế của các cấp Hội trình Thường trực phê duyệt và quản lý chặt chẽ các nguồn vốn đã phân bổ, đảm bảo sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích, có hiệu quả, không bị chiếm dụng, thất thoát và thanh quyết toán theo quy định.

- Giúp việc cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch về nội dung công việc khi tham gia vào các tổ chức chỉ đạo, điều hành của tỉnh như Ban chỉ đạo, Ban công tác, Hội đồng, Hội …).

- Sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bồi dưỡng nghiệp vụ và giúp đỡ tạo điều kiện làm kinh tế, cải thiện đời sống cho các tổ chức Hội cấp dưới.

5 - Kế toán:

Sinh hoạt hành chính với Văn  phòng, thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của chủ tài khoản và người được ủy quyền; tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Hội về chủ trương, kế hoạch công tác tài chính, tài sản và thực hiện chế độ quản lý thu, chi tài chính, tài sản của tỉnh Hội, có trách nhiệm:

- Lập dự trù ngân sách hàng năm, 6 tháng, hàng quý của tỉnh Hội; lập kế hoạch thu, chi trình Thường trực tỉnh Hội thông qua và chủ tài khoản ký duyệt. Tiếp nhận sự cấp phát, quản lý và giám sát việc thu chi ngân sách, các nguồn vốn, các loại quỹ Hội theo đúng nguyên tắc tài chính. Định kỳ tổng hợp thu, chi báo cáo với Chủ tài khoản và hàng quý báo cáo tình hình thu, chi ngân sách, nguồn vốn và các loại quỹ của Hội với Thường trực tỉnh Hội. Kinh tế công khai trước cơ quan các nội dung thu chi theo nguyên tắc tài chính. Tổng hợp báo cáo quyết toán với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan.

- Nắm tình hình, hướng dẫn nghiệp vụ, góp phần giải quyết những khó khăn về công tác tài chính của tổ chức Hội cấp dưới. Hướng dẫn thực hiện cuộc vận động tiết kiệm, chống tham nhũng trong cơ quan.

6 - Thường trực Ban Kiểm tra:

Thường trực Ban Kiểm tra tỉnh Hội là 1 bộ phận thuộc cơ quan tỉnh Hội, có cán bộ Kiểm tra chuyên trách (kiêm nhiệm) và một số ủy viên của cơ quan tỉnh Hội (ghép sinh hoạt về hành chính với Ban Tổ chức – Chính sách); trực tiếp làm tham mưu, đề xuất cho Thường trực tỉnh Hội, Ban Thường vụ, BCH, có trách nhiệm thực hiện các nội dung, nhiệm vụ công tác theo quy chế làm việc của Ban Kiểm tra tỉnh Hội và công tác kiểm tra, giám sát theo Quyết định 217, 218 - QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Giúp việc cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch về nội dung công việc khi tham gia vào các tổ chức chỉ đạo, điều hành của tỉnh (Ban chỉ đạo, Ban công tác, Hội đồng, Hội …) và  Hội đồng Nhân dân tỉnh.

7 - Trách nhiệm của cán bộ, chuyên viên, nhân viên trên các cương vị công tác

- Thực hiện theo chức trách được giao.

Chương IV

CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC

Điều 8: Chế độ công tác của Chủ tịch, Phó Chủ tịch

1 - Những nội dung phải thông qua:

- Chủ trương, quy hoạch, kế hoạch, chương trình công tác của Hội; cơ quan tỉnh Hội trong nhiệm kỳ, từng năm, 6 tháng, từng quý.

- Các chủ trương công tác lớn trong phối hợp hoạt động với các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh.

- Dự toán và quyết toán ngân sách hàng năm.

- Kế hoạch thu chi Hội phí, các quỹ của Hội hàng năm.

2 - Chế độ công tác:

- Hàng tháng, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch họp 1 lần vào tuần cuối tháng (bằng phương pháp tập trung hoặc trao đổi thông qua văn phòng và các ban có nhiệm vụ liên quan).

- Hàng quý, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch họp 1 lần vào giữa các tháng 3, 6, 9.

- Trước khi tổng kết cuối năm, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch họp thống nhất triển khai nhiệm vụ.

- Chủ tịch tổ chức giao ban cơ quan tháng 2 lần vào tuần đầu (hoặc tuần cuối của tháng trước) và tuần giữa tháng.

- Khi cần thiết, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch (Được chỉ định thay thế khi Chủ tịch đi vắng) triệu tập họp đột xuất để giải quyết công việc.

- Những nội dung phải thông qua Thường trực thuộc cơ quan nào do cơ quan đó chuẩn bị, báo cáo đồng chí Thường trực được phân công phụ trách; sau đó thông qua tập thể Thường trực và được Chủ tịch quyết định.

- Các cuộc họp của Chủ tịch, Phó Chủ tịch nội dung liên quan đến cơ quan nào do cơ quan đó chuẩn bị. Nếu có nội dung liên quan đến nhiều cơ quan thì Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch (được Chủ tịch ủy quyền) chỉ định một cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện (Văn phòng có thông báo).

- Việc sử dụng ngân sách, các quỹ hàng năm và mua sắm, sửa chữa tài, các cơ quan lập kế hoạch chi tiêu thống nhất với Tài chính thông qua tổ trưởng Tổ bảo đảm kinh tế của cơ quan, báo cáo đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách và đồng chí được ủy quyền ký duyệt sử dụng kinh phí; những nội dung theo quy định trình Chủ tịch quyết định.

Điều 9: Chế độ công tác của cơ quan tỉnh Hội.

1 - Chế độ nắm tình hình, đi nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở:

1.1 - Nắm tình hình thông qua báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề, báo cáo bất thường bằng văn bản hoặc điện của các đơn vị trực thuộc (huyện, thành, thị Hội, Khối 487); khi cần thiết yêu cầu đơn vị cử người lên báo cáo trực tiếp hoặc  thông qua các kênh thông tin từ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể liên quan để nắm tình hình.

1.2 - Việc nắm và tổng hợp tình hình làm báo cáo hoạt động của Hội hàng háng, quý, 6 tháng và tổng kết năm do Chánh Văn phòng đảm nhiệm, việc nắm sâu tình hình từng mặt nghiệp vụ do từng ban chuyên trách đảm nhiệm.

1.3 - Tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ, thường trực sẽ cử phái viên hoặc đoàn công tác đi kiểm tra nắm tình hình, nghiên cứu thực tiễn cơ sở.  

1.4 - Quý 1 và quý 3 hàng năm tổ chức giao ban nắm tình hình đơn vị tại cơ quan Tỉnh Hội (hoặc ở cơ sở khi có điều kiện). Sơ kết 6 tháng và tổng kết năm thực hiện theo quy chế làm việc của Ban Chấp hành.

2 - Chế độ sử lý công văn, tài liệu:

2.1 - Mọi công văn, tài liệu đến cơ quan đều phải chuyển qua Văn thư bảo mật (Văn phòng) để đăng ký, quản lý và sử lý. Hàng ngày, Văn thư  báo cáo với Chánh Văn phòng và tổng hợp trình xin ý kiến Chủ tịch (Phó Chủ tịch) sử lý, giải quyết. Sau khi Chủ tịch (Phó Chủ tịch) cho ý kiến giải quyết, Văn thư nhanh chóng chuyển đến ban hoặc cá nhân có trách nhiệm thi hành để tổ chức thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch, Phó Chủ tịch.

2.2 - Mọi công văn, tài liệu cần đánh máy, in, sao, các ban chuẩn bị về nội dung và trưởng ban phê duyệt đánh máy, in, sao và gửi về Văn thư để sử lý.

2.3 - Hàng năm dưới sự chỉ đạo của Thường trực tỉnh Hội, Chánh Văn phòng chủ trì việc kiểm tra, thanh lý và lưu trữ công văn, tài liệu theo chế độ của Nhà nước.

3 - Chế độ giao ban:

3.1 - Giao ban cơ quan 2 lần/tháng, vào giữa và cuối hàng tháng (hoặc đầu tháng kế tiếp); nếu có công tác cần giao ban thì Chủ tịch tỉnh Hội quyết định thông qua Văn phòng để triệu tập. Thời gian giao ban thông thường vào sáng thứ 6 hoặc thứ 2 của tuần giữa tháng.

3.2 - Thành phần gồm tất cả các đồng chí cán bộ trong cơ quan (Thường trực tỉnh Hội, trưởng các ban, Chánh Văn phòng, các đồng chí chuyên viên và  kế toán.

3.3 - Nội dung: Trước khi vào nội dung chính, Chánh Văn phòng thông báo những công văn, tài liệu chung. Sau đó báo cáo tổng hợp chung tình hình thực hiện các nội dung công tác từ ngày 01 đến ngày giao ban giữa tháng và những nội dung công tác triển khai thực hiện đến hết tháng; thông báo dự kiến lịch công tác của Thường trực và các ban, Văn phòng và kiến nghị, đề nghị nếu có. Tiếp đến các ban, các đồng chí Phó Chủ tịch có ý kiến bổ sung, chỉ đạo hoặc kiến nghị, đề nghị (nếu có). Sau cùng đồng chí Chủ trì kết luận và phân công, giao nhiệm vụ triển khai thực hiện.

3.4 - Chủ trì giao ban là đồng chí Chủ tịch hoặc đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh Hội được ủy quyền.

4 - Chế độ Hội nghị và sinh hoạt của cơ quan:

4.1 - Hội nghị chuyên đề:

- Thành phần tham dự: Các đồng chí Thường trực tỉnh Hội, các trưởng ban  và Chánh Văn phòng.

- Nội dung: Theo yêu cầu của chuyên đề. Thường trực giao cho ban nào phụ trách chuyên đề nào thì ban đó chuẩn bị nội dung báo cáo. Văn phòng bố trí lịch  thực hiện và phối hợp bảo đảm để hội nghị đạt kết quả tốt.

4.2 - Sinh hoạt toàn cơ quan:

- Cơ quan sinh hoạt tập trung mỗi quý một lần vào tuần đầu của tháng liền kề quý tiếp theo. Nội dung để thông báo tình hình chung liên quan, các chủ trương chính sách mới, công văn tài liệu cần quán triệt, phổ biến; sơ kết công tác quý và triển khai công tác quý sau; công khai tài chính quý và dân chủ thảo luận, thống nhất các vấn đề có liên quan đến công tác và đời sống của cán bộ, nhân viên trong cơ quan. Trường hợp đột xuất, do Chủ tịch tỉnh Hội và Thủ trưởng cơ quan quyết định.

- Tổ chức bình xét thi đua, khen thưởng của cơ quan cuối năm (do Chủ tịch HĐTĐKT cơ quan chủ trì) được tổ chức riêng thành một buổi hoặc lồng ghép với hội nghị sinh hoạt cơ quan quý IV, giao ban tháng trong quý IV. Tổng kết công tác trong năm, triển khai kế hoạch công tác năm sau, công bố khen thưởng trong cơ quan do Chủ tịch và Thủ trưởng cơ quan quyết định.

- Ngoài chế độ hội nghị, sinh hoạt định kỳ, khi cần thiết thủ trưởng cơ quan có thể triệu tập sinh hoạt bất thường.

5 - Chế độ thông tin, thông báo tình hình được thực hiện trong giao ban cơ quan và sinh hoạt cơ quan, theo 2 kênh:

- Văn phòng thông báo các công văn, tài liệu cần phổ biến và tình hình hoạt động của cơ quan, của Hội;

- Các đồng chí Thường trực mà trực tiếp là đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách công tác chính trị tư tưởng thông báo tóm tắt về tình hình chung có tính thời sự, mới và thiết thực;

6 - Chế độ báo cáo:

Báo cáo theo quy định và theo yêu cầu của các cơ quan, ban, ngành của Tỉnh và Trung ương Hội. Văn phòng chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo công tác Hội định kỳ tháng, quý, 6 tháng và 1 năm; các ban chịu trách nhiệm xây dựng báo cáo nghiệp vụ của ban mình theo quy định.

7 - Chế độ làm việc, nghỉ ngơi:

7.1 - Thực hiện theo Quy định 2355/QĐ-UBND ngày 12/9/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh.

7.2 - Thời gian làm việc hàng ngày theo khung giờ quy định của Nhà nước, trong giờ hành chính mọi cán bộ, công chức làm việc theo vị trí quy định, trang phục gọn gàng sạch sẽ, thực hiện văn minh công sở, nghỉ việc phải được sự đồng ý của Thủ trưởng cơ quan và thông báo cho Văn phòng biết.

7.3 - Ngày nghỉ thực hiện theo quy định của Nhà nước. Khi cần phải làm việc vào ngày nghỉ do Thủ trưởng cơ quan quyết định và không thực hiện chế độ bồi dưỡng làm việc ngoài giờ mà thực hiện nghỉ bù.  

7.4 - Hàng năm cán bộ, nhân viên được nghỉ phép 15 ngày.

Chương V

CHI TIÊU THƯỜNG XUYÊN

Điều 10 - Chi thường xuyên.

1 - Chi hành chính văn phòng phẩm.

1.1 - Chi trả tiền điện, nước sinh hoạt, điện thoại, phí cáp truyền hình, mạng Intenet theo hợp đồng sử dụng. Chi mua trà, nước uống, vật chất nhà bếp, bảo đảm vệ sinh, vật tư lao động…theo thực tế hoạt động và sinh hoạt của cơ quan. Căn cứ vào nhu cầu cần mua, Phó Chánh văn phòng lập dự toán thông qua Chánh văn phòng thống nhất với Tổ trưởng Tổ bảo đảm kinh tế cơ quan trình Thủ trưởng cơ quan quyết định. Quá trình sử dụng phải quản lý chặt chẽ, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm.  

1.2 - Chi mua văn phòng phẩm và vật tư các loại phục vụ công tác văn thư, lưu trữ. Hàng quý hoặc đột xuất, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ nhân viên văn thư tổng hợp, dự toán báo cáo Chánh Văn phòng thống nhất với Tổ trưởng Tổ bảo đảm kinh tế cơ quan ký duyệt hợp đồng mua, lập sổ đăng ký theo dõi quản lý, cấp phát, sử dụng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm an toàn, tiết kiệm.

2 - Chi bảo đảm báo chí, tuyên truyền.

2.1 - Mua Báo Nhân dân: 01 số/ngày; Báo Quân đội nhân dân: 01 số/ngày; Báo Phú Thọ: 1 số/ kỳ; Báo CCB:  11 số/kỳ; Báo xuân: 22 số/ năm (cả báo biếu).

2.2 - Bồi dưỡng viết tin, bài, ảnh và biên tập thông tin CCB tỉnh:

- Đối với các tin, bài, ảnh được sử dụng đăng tải: Tin vắn = 40.000đ/1 tin; tin sâu = 100.000đ/1tin; ảnh = 40.000đ/1 ảnh; thơ 120.000đ/1bài; bài viết = 120.000đ/1 bài (các bài viết của Lãnh đạo tỉnh Hội, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh = 300.000đ/1 bài).

- Ban Biên tập: Trưởng, Phó ban = 150.000đ/người/quý; các ủy viên, văn thư = 120.000đ/người/ quý. 

Các khoản chi trong mục này Ban Tuyên giáo thống kê, kiểm soát thống nhất với Tổ trưởng Tổ bảo đảm kinh tế cơ quan trình thường trực quyết định; phối hợp cùng Kế toán cơ quan làm thủ tục chi đúng nguyên tắc tài chính.

3 - Chi bồi dưỡng thông tin truyền hình, báo chí.

Căn cứ vào tình hình cụ thể Ban Tuyên giáo đề xuất, thống nhất với Tổ  bảo đảm kinh tế cơ quan báo cáo với đồng chí Phó Chủ tịch được ủy quyền quyết định.

4 - Chi tiếp khách và hội nghị. (Vận dụng theo Thông tư 40 của Bộ Tài chính) và cụ thể như sau:

4.1 - Tiếp khách đến làm việc tại cơ quan:

-  Ăn sáng = 30.000đ/người;  

- Ăn chính = 150.000đ/người/ngày (nếu chỉ ăn 01 bữa chính, mức ăn là 100.000đ/người).

4.2 - Hội nghị:

- Hội nghị tại cơ quan: Ăn sáng, ăn chính : Như mục 4.1, Điều 10;

- Hội nghị ngoài cơ quan: Ăn sáng không quá 40.000đ/người; ăn chính không quá 200.000đ/người/ngày; nếu chỉ ăn 01 bữa chính mức ăn không quá 150.000đ/người).

- Nếu không tổ chức ăn, thì chi trả tiền ăn cho các đại biểu dự hội nghị và phục vụ theo mức chi như ăn tại cơ quan.

4.3 - Khách Trung ương Hội, lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐNĐ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị tương đương hoặc bảo đảm cho hội nghị và trường hợp chi tiếp khách khác, Chánh văn phòng xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch tỉnh Hội quyết định.

Thành phần tiếp khách do thường trực quyết định.

5 - Chi thăm ốm đau

5.1 - Cán bộ, nhân viên, lao động hợp đồng (gọi chung là nhân viên) trong cơ quan khi ốm đau phải đi viện, nghỉ thai sản, Thường trực tổ chức thăm hỏi; mức chi 300.000đ/lần, không quá 2 lần/năm.

5.2 - Bố mẹ, vợ, chồng, con cán bộ, nhân viên trong cơ quan khi ốm phải đi viện hoặc ốm đau kéo dài, bị bệnh hiểm nghèo nan y điều trị tại nhà, Thường trực tổ chức thăm hỏi, mức chi 300.000 đ/lần không quá 2 lần/năm.

5.3 - Trường hợp ốm đau, bệnh tật khác Thường trực quyết định mức chi thăm hỏi động viên phù hợp.

6 - Chi việc tang lễ và quan hệ công tác.

6.1 - Cán bộ, nhân viên trong cơ quan đang công tác hoặc đã nghỉ công tác và bố, mẹ, vợ, chồng, con khi qua đời Thường trực tổ chức viếng có vòng hoa và lễ viếng = 500.000đ tiền mặt. Trường hợp cần hỗ trợ thêm do Thường trực cơ quan quyết định.

6.2 - Uỷ viên Ban Chấp hành tỉnh Hội (không thuộc quân số ở cơ quan tỉnh Hội) đang công tác hoặc đã nghỉ công tác và bố, mẹ, vợ, con khi qua đời Thường trực tổ chức viếng có vòng hoa và lễ viếng = 300.000đ tiềm mặt.

6.3 - Lãnh đạo Thường trực Hội Cựu chiến binh các tỉnh bạn qua đời, căn cứ vào tình hình cụ thể Thường trực cơ quan quyết định việc viếng và mức viếng;

6.4 - Lãnh đạo Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam (còn đang công tác); các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND; Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBMTTQ tỉnh và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Thường trực huyện,  thành, thị và tương đương (đương nhiệm); Bố, mẹ, vợ, chồng các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội, Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh khi qua đời tỉnh Hội có lễ viếng. Căn cứ vào tình hình cụ thể Thường trực quyết định hình thức viếng và mức chi viếng.

6.5 - Người được phân công chủ trì thay mặt Thường trực đi viếng các đối tượng ở trên, nếu thấy cần thiết có lễ viếng với tư cách cá nhân thì được trích từ quỹ vốn đơn vị = 300.000đ làm lễ viếng, nhưng phải được sự nhất trí của Thủ trưởng cơ quan.

6.5 - Các tổ chức Hội, Ban liên lạc truyền thống đơn vị; các sở, ban, ngành, đoàn thể; các đơn vị có mối quan hệ và các hoạt động gắn sát với nhiệm vụ của Hội, khi tổ chức đại hội hoặc gặp mặt truyền thống mời dự, Thường trực căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định hình thức và mức chi (nếu có).

6.6 - Các trường hợp đặc biệt khác do Chủ tài khoản quyết định.

7 - Chi mua xăng dầu, sửa chữa xe ô tô.

7.1 - Mua xăng cho ô tô theo định mức kỹ thuật tiêu hao nhiên liệu.

- Lái xe lập sổ đăng ký, theo dõi, quản lý cụ thể từng lượt xe đi, về (với cả 2 xe). Cán bộ được giao chủ trì sử dụng xe phải ký nhận số lượng km xe đi và về để làm cơ sở đối chiếu, thanh quyết toán. Ưu tiên sử dụng xăng từ nguồn Bộ Quốc phòng cho trước, xăng mua bằng nguồn ngân sách sau. Định mức sử dụng như sau:

+ Xe 1656: Xăng 12 lít/100 km;

+ Xe 0729: Xăng 15 lít/100 km;

+ Dầu máy theo tỷ lệ xăng;

+ Dầu phanh theo định mức kỹ thuật.

7.2 - Chi sửa chữa, thay thế phụ tùng :

- Việc chi sửa chữa thường xuyên, kiểm tra bảo quản, định kỳ, bảo hiểm, phí đường bộ…lái xe báo cáo Chánh văn phòng lập dự toán thống nhất với Tổ bảo đảm kinh kế thông qua Thủ trưởng cơ quan quyết định.

- Xe hỏng hóc khi lưu thông, lái xe tìm cách khắc phục đáp ứng cao nhất cho yêu cầu nhiệm vụ. Trường hợp không khắc phục được phải sửa chữa thì kịp thời sửa chữa và làm đầy đủ thủ tục để thanh toán theo bảo hiểm xe. Trường hợp hỏng hóc phải sửa chữa, thay thế phụ tùng ngoài nội dung được bảo hiểm hoặc trường hợp cá biệt khác, lái xe và chủ trì xe tìm cách khắc phục để thực hiện nhiệm vụ, sau đó báo lại Chánh Văn phòng xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan và Chủ tịch tỉnh Hội giải quyết.

8 - Chi công tác phí, hỗ trợ ăn trưa (vận dụng theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính và quy định của Tỉnh Phú Thọ).

8.1 - Thực hiện khoán công tác phí hỗ trợ cho cán bộ, nhân viên với mức 300.000đ/người/ tháng.

8.2 - Cán bộ, nhân viên đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km, 15 km trở lên (Theo quy định) mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện bằng mức 0,15 lít xăng/km (nhưng phải có giấy công tác hợp lý) và được thanh toán tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng ngủ (nếu có) như mục 8.3 dưới đây. 

8.3 - Trường hợp đi bằng phương tiện khác thì được thanh toán tiền vé loại phương tiện đi và tiền phụ cấp lưu trú với mức 200.000đ/người/ngày đêm, tiền thuê phòng ngủ (nếu có) theo hóa đơn nhưng tối đa không quá 350.000đ/ người/ngày đêm, tiền cước hành lý và tài liệu mang theo để làm việc (nếu có) theo vé hoặc biên nhận. 

8.4 - Đi công tác bằng xe ô tô cơ quan (kể cả khi đi công tác với các đoàn công tác mà sử dụng xe công) thì chỉ được thanh toán tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng ngủ (nếu có), cước hành lý và tài liệu mang theo để làm việc như điểm 8.3 ở trên.

8.5 - Việc chi tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê phòng ngủ (nếu có), tiền cước hành lý và tài liệu mang theo để làm việc cho cán bộ, nhân viên đi công tác tại các thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải phòng, Đà Nẵng, Cần thơ do Chủ tịch tỉnh Hội quyết định nhưng không vượt quá quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28/4/2017 của Bộ Tài chính.

8.6 - Trường hợp đi công tác bằng phương tiện máy bay do Chủ tịch tỉnh Hội quyết định (theo phương châm tiết kiệm, hiệu quả).

8.7 - Chi hỗ trợ ăn trưa cho cán bộ, nhân viên cơ quan 440.000đ/người/tháng (22 ngày làm việc).

9 - Chi các ngày lễ, tết và giao lưu, tham quan, học tập, nghỉ mát, sinh nhật cán bộ, nhân viên.

9.1 - Các ngày lễ 30/4; 10/3 (âm lịch); 01/5; 02/9; ngày Gia đình Việt Nam 28/6; ngày 01/6, rằm tháng 8 và ngày tết dương lịch mức chi 200.000đ/người/ngày. Đối với lao động hợp đồng, mức chi 100.000đ/người/ngày.

9.2 - Ngày 08/3 mức chi 01 bó hoa trị giá 100.000đ và 200.000đ/người (là nữ và vợ của cán bộ, nhân viên cơ quan).

9.3 - Ngày 20/10 mức chi 01 bó hoa trị giá 100.000 đ và 300.000 đ/người (Là nữ cơ quan).

9.4 - Ngày 20/11 mức chi 01 bó hoa (trị giá 100.000đ) và 300.000 đ/người (đã là giáo viên hoặc vợ, chồng là giáo viên)

9.5 - Ngày 27/7 tổ chức gặp mặt và tặng quà các đồng chí thương binh trong cơ quan, mức quà 01 bó hoa (trị giá 100.000đ) và 300.000đ/người.

9.6 - Dịp ngày thành lập Hội CCBVN (06/12), ngày Tết âm lịch, Thường trực Hội tổ chức gặp mặt thân mật vợ, chồng cán bộ, nhân viên của cơ quan và tặng quà. Thời gian, hình thức, thành phần gặp mặt, mức quà tặng do Thường trực quyết định.

9.7 - Việc bảo đảm kinh phí cho đi giao lưu, tham quan, học tập, nghỉ mát căn cứ vào tình hình cụ thể Thường trực sẽ xem xét quyết định. Nếu cơ quan tổ chức đi nghỉ mát, ăn dưỡng, đồng chí nào được phân công trực ở cơ quan để giải quyết công việc thì được bồi dưỡng 50% kinh phí tính theo đầu người của đợt đi; các đồng chí trong diện được đi nếu không đi sẽ không được tính chi bồi dưỡng. Cán bộ nhân viên đi nghỉ mát, an dưỡng không được thanh toán tiền công tác phí và lưu trú.

9.8 - Chi mừng sinh nhật cán bộ, nhân viên trong cơ quan, mức chi 01 bó hoa (trị giá 100.000đ) và 200.000đ/ người. Được thực hiện theo tháng sinh của cán bộ, nhân viên, cụ thể do Thủ trưởng cơ quan quyết định.

10 - Các khoản chi khác.

10.1 - Trả tiền công cho bảo vệ, tạp vụ theo hợp đồng.

10.2 - Chi thuê lái xe, ô tô;

- Mức chi thuê lái xe:

+ 1/2 ngày = 150.000đ/người/lần;

+ 01 ngày = 250.000đ/người/lần/;

- Mức chi thuê cả lái và xe: Theo giá chung của thị trường;

10.3 - Chi hỗ trợ các địa chỉ từ thiện, nhân đạo tuỳ theo trường hợp cụ thể Chánh Văn phòng đề xuất, báo cáo Thường trực cơ quan quyết định.

10.4 - Chi sửa chữa doanh trại, máy văn phòng, ti vi, điện, nước .v.v. . .  theo hợp đồng bằng văn bản; người được giao trực tiếp quản lý lập dự toán, thông qua Chánh văn phòng thống nhất với Tổ bảo đảm kinh tế cơ quan trình Thường trực quyết định.

10.5 - Chi làm ảnh tư liệu, ảnh lưu niệm, panô khẩu hiệu, khánh tiết, trang trí, phóng sự… Trưởng ban Tuyên giáo lập dự trù thống nhất với tổ trưởng tổ bảo đảm kinh tế báo cáo Thủ trưởng cơ quan quyết định.

10.6 - Chi nộp các loại quỹ theo quy định của địa phương như (quỹ phòng chống thiên tai, quỹ quốc phòng an ninh …) đúng quy định và có đầy đủ chứng từ để quyết toán.

10.7 - Các dự án kinh tế, chương trình phối hợp các cơ quan chủ quản lập dự toán, kế hoạch thực hiện thống nhất với tổ bảo đảm kinh tế cơ quan trình Chủ tịch quyết định.

* Tất cả các khoản chi phí sửa chữa, mua sắm do các cơ quan được giao lập dự toán thống nhất với tổ bảo đảm kinh tế của cơ quan ký chịu trách nhiệm và trình Thủ trưởng cơ quan ký duyệt (Trừ kinh phí của các cơ quan đã được Chủ tài khoản phân bổ). Kế toán chủ trì quyết toán đúng quy định.

Chương VI

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG, THANH QUYẾT TOÁN TÀI SẢN CÔNG

Điều 11 - Thường trực giao Văn phòng quản lý toàn bộ tài sản của cơ quan bao gồm: Đất (chứng nhận quyền sử dụng đất), các công trình trên đất, vật tư trang thiết bị bảo đảm cho hoạt động và sinh hoạt của cơ quan.

Điều 12 - Các tập thể, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công phải tuân thủ nghiêm quy định chung về quản lý, khai thác và sử dụng; đồng thời phải có ý thức, trách nhiệm cao trong việc quản lý, khai thác, sử dụng tài sản mình được giao. Tuyệt đối không được lợi dụng, lạm dụng, sâm hại tài sản công; không sử dụng tài sản công cho mục đích riêng khi chưa được người có thẩm quyền cho phép. Quá trình khai thác, sử dụng đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn, tiết kiệm và thanh quyết toán đúng Luật ngân sách.

Điều 13 - Từng tập thể, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công phải lập sổ đăng ký, theo dõi, quản lý và kiểm kê báo cáo định kỳ vào các ngày 01/01 và 01/7 hàng năm theo phân cấp. Những tài sản công chi dùng, sử dụng thường xuyên theo tháng, quý hoặc theo kế hoạch phải lập dự trù và được người có thẩm quyền ký quyết định chi dùng, sử dụng. Cuối tháng, quý hoặc sau khi hoàn thành kế hoạch phải lập hồ sơ kiểm kê, thanh quyết toán và báo cáo công khai trước cơ quan.

Điều 14 - Việc quản lý, khai thác, sử dụng xe ô tô công theo quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh tại Công văn số 5033/UBND-TH2 ngày 03/12/2015. Thường trực giao Chánh Văn phòng quản lý, điều hành xe ô tô; quản lý xăng dầu theo kế hoạch hoạt động xe được Thủ trưởng cơ quan phê duyệt.

1 - Ưu tiên sử dụng xe bảo đảm cho Thường trực thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động của Hội. Thứ tự ưu tiên sử dụng xe bảo đảm cho nhiệm vụ của trên trước, của Hội sau. Khi không có đủ xe hoặc không có lái xe để thực hiện nhiệm vụ cùng 1 thời điểm thì các đồng chí Thường trực, cán bộ, nhân viên phải chủ động tự túc phương tiện (Được thanh toán theo  mục 8.2, khoản 8, Điều 10 của quy chế này). Không thuê lái xe và xe  cho các trường hợp đi dự hội nghị, hội thảo, kiểm tra…(gọi chung là đi công tác) trong phạm vi dưới 20 km từ trụ sở cơ quan đến nơi công tác. Không sử dụng xe công cho việc riêng. Khi có xe, lái xe và nhiệm vụ có nhu cầu sử dụng xe, trưởng các ban và Chánh Văn phòng đề xuất xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan quyết định. Trường hợp chuyển tiền mặt từ Kho bạc tỉnh về cơ quan được sử dụng xe cơ quan, do Văn phòng bố trí.

2 - Cán bộ, nhân viên trong cơ quan có nhu cầu sử dụng xe cho việc cá nhân hoặc gia đình trực tiếp báo với Chánh Văn phòng xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan  quyết định, nhưng phải tự bảo đảm xăng dầu và các chi phí khác khi lưu thông. Khi được giao sử dụng xe phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện quy định khi vận hành xe và chấp hành nghiêm quy định về an toàn trong tham gia giao thông. Trường hợp cần hỗ trợ xăng dầu, và các chi phí liên quan khác báo cáo Chủ tài khoản quyết định.

3 - Xe vận hành phải đúng lộ trình công tác, được sử dụng lượng xăng cơ động = 5%/tổng lượng xăng của 01 lượt đi về (nếu có). Nếu đi ngoài tuyến, cá nhân được giao chủ trì xe hoặc lái xe phải tự bảo đảm các chi phí. Không sử dụng xe để đưa đón cán bộ từ nhà đến cơ quan và ngược lại (nếu không cùng trên một tuyến đường đi công tác). Hạn chế việc cho mượn xe công.

4 - Lái xe thường xuyên kiểm tra tình trạng kỹ thuật, kịp thời đề xuất báo cáo Chánh văn phòng xin ý kiến Thường trực để thường xuyên bảo đảm hệ số kỹ thuật và an toàn xe. 

Điều 15 - Cán bộ, nhân viên đi công tác có giấy công tác hợp lệ và được đăng ký tại Văn thư mới có giá trị thanh toán. Khi thanh toán phải được Thủ trưởng cơ quan ký duyệt chi, việc thanh toán công tác phí phải bảo đảm đúng quy định và  được giải quyết vào cuối từng quý và trước ngày 31/12 hàng năm.

                                                                         Chương VII

CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, GIÁM SÁT, BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Điều 16 - Căn cứ vào quy chế này các thành phần liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện. Giao Chánh Văn phòng giúp Thường trực duy trì thực hiện và cùng Kế toán theo dõi bảo đảm công bằng, công khai, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm. Tổ bảo đảm kinh tế cơ quan và các cá nhân trong cơ quan duy trì việc giám sát, kiểm tra các khoản chi bảo đảm hợp lệ, dân chủ và công khai.

Điều 17 - Hàng tháng vào ngày cuối cùng của tháng Kế toán cùng Thủ quỹ phải kiểm tra và đối chiếu sổ sách, quỹ tiền mặt; cùng lái xe đối chiếu việc mua cấp xăng, dầu với đơn vị hợp đồng cung ứng xăng dầu làm cơ sở để thanh quyết toán. Kế toán tổng hợp tình hình thu, chi, thanh quyết toán và những kiến nghị, đề nghị báo Chánh văn phòng, báo cáo Tổ bảo đảm để trình Thủ trưởng cơ quan, Thường trực và Chủ tài khoản quyết định. Sau khi thực hiện quyết định của Chủ tài khoản, kế toán và Tổ bảo đảm tổng hợp làm cơ sở để kinh tế công khai trước cơ quan.

Điều 18 - Hàng quý tổ chức hội nghị tài chính công khai mọi nội dung chi tiêu trước toàn thể cơ quan (thời gian vào tuần đầu của quý sau); đầu quý I và quý III báo cáo đầy đủ kết quả kiểm kê tài sản công để Thường trực xem xét quyết định các vấn đề liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng tài sản của cơ quan.

Điều 19 - Việc thanh quyết toán phải bảo đảm đầy đủ hồ sơ, chứng từ theo quy định của Luật ngân sách.

Chương VIII

CÁC MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 20 - Các ban và Văn phòng với Lãnh đạo tỉnh Hội (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) là quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng lãnh đạo.

Điều 21 – Giữa các ban và Văn phòng với nhau là mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng công tác trong nội bộ cơ quan. Nội dung nhiệm vụ công tác chủ yếu thuộc về ban nghiệp vụ nào, thì ban đó giữ trách nhiệm trung tâm tổ chức hiệp đồng thực hiện, các ban khác tham gia phối hợp theo chức năng. Những nội dung chung, không thuộc về ban nghiệp vụ nào, thì Chủ tịch, Phó Chủ tịch trực tiếp chỉ đạo, tổ chức, thực hiện hoặc phân công cho ban có chức năng, nhiệm vụ sát với nội dung  để tham mưu tổ chức thực hiện.

Điều 22 - Với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và cơ quan thường trực Hội Cựu chiến binh các huyện, thành, thị và đơn vị trực thuộc là quan hệ chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động Hội theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở.

Chương IX

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 23 - Quy chế hoạt động của cơ quan Hội CCB tỉnh được phổ biến cho toàn thể cán bộ, công chức quán triệt và thực hiện. Trong quá trình thực hiện có những vấn đề phát sinh, Thường trực sẽ nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện quy chế.

Điều 24 - Bãi bỏ các văn bản: Quy chế số 25/QC-CCB ngày 25/01/2013 về chế độ làm việc của cơ quan Hội CCB tỉnh; Quy chế số 09/QC-CCB ngày 03/3/2016 về chi tiêu thường xuyên và quản lý, sử dụng tài sản công; Quyết định số 68/QĐ-CCB ngày 20/12/2016 về phân công nhiệm vụ và chế độ làm việc của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch.

Điều 25: Quy chế này có hiệu lực thi hành từ ngày ký./.

 

                                   (Trích từ Quy chế hoạt động của cơ quan Hội Cựu chiến binh tỉnh,

                                       số 03/QC-CCB ngày 15/10/2017 – của Chủ tịch Hội CCB tỉnh)

 

 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Đoàn Viết Tiên số điện thoại 0385597113

tôi muốn xem toàn bộ văn bản về thu nộp quản lý và sử dụng hội phí Cựu Chiến binh Việt nam

 

Trịnh Văn Quang

Mẫu về thủ tục kết nạp hội viên CCB đơn thứ tự các bước

 

CHU KIM LINH. 0962299221

Kính thưa các bác.cháu tẽn CHU KIM LINH. Cháu xin có đôi lời muốn hỏi. Ông nội của cháu là CHU ÂN LAI. nội của cháu vừa mới mất ngày 08/10/2023. Ông cháu đã 98 tuổi tuổi trẻ ông cháu đã trải qua nhiều...

 

Linh PCT Hội CCB tỉnh Phú Thọ

Bác đã chuyển thông tin này cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh. Cháu và gia đình liên hệ với bác Chiến (0912588040) Chủ tịch Hội Hỗ trợ GĐLS tỉnh phú Thọ để được tư vấn nhé

 

Linh PCT Hội CCB Phú Thọ

Bác đã chuyển cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh để thông tin và tìm kiếm

 

Nguyễn Đình Vinh / ĐT 0966033392

Cháu chào các bác ạ. cháu là người nhà của liệt sĩ Nguyễn Đình Vụ hi sinh ngày 28/04/1984 tại chốt 1509, thuộc đại đội 5, tiểu đoàn 2, trung đoàn 122 , sư đoàn 313.Hiện tại cháu và gia đình mòn muốn t...

 
Xem toàn bộ
Công ty TNHH Đất Việt PROLAB

Bạn biết về chúng tôi từ đâu?
Từ Google
Từ Bạn Bè
Nguồn Khác

 BẢN QUYỀN THUỘC HỘI CỰU CHIẾN BINH TỈNH PHÚ THỌ

                    Phố Tân Việt, phường Tân Dân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
                   Tel/fax: 02103 847 644 - Email: ccbphutho@gmail.com; tên miền hoiccbphutho.com
                    Chịu trách nhiệm xuất bản: Thiếu tướng LÊ QUANG ĐẠI - Chủ tịch Hội
                   Chịu trách nhiệm nội dung: Đại tá HẠ BÁ LINH - Phó Chủ tịch Hội