Bước sang tuổi 43 anh Nguyễn Phương Huy ở khu 7, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng mới tạm vơi nỗi lo cơm áo thường nhật nhờ đầu tư thành công mô hình chăn nuôi gà thịt quy mô lớn.
Như hầu hết bạn bè cùng trang lứa, tốt nghiệp THPT, anh Huy tham gia nghĩa vụ quân sự rồi phục viên về quê lập gia đình riêng nối nghiệp ông cha mưu sinh dựa vào mấy sào ruộng khoán và vạt đất đồi trơ sỏi đá gan gà. Từng tham gia công tác xã hội tại địa phương, được tín nhiệm bầu làm Phó trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, Phó khu dân cư, nhiều năm liền anh Huy miệt mài không kể ngày đêm để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác, vừa chèo chống lo gánh nặng cơm áo thường nhật gia đình. Thù lao đãi ngộ chẳng đáng là bao, ruộng vườn khéo lắm cũng chỉ đủ sinh hoạt tằn tiện hàng ngày, khi hai đứa con cắp sách đến trường anh mới thấm thía cảnh nghèo khó, túng thiếu của gia đình. Xác định muốn thoát nghèo, làm giàu thì việc đầu tiên phải có vốn, hai vợ chồng đã suy tính rồi quyết định xin nghỉ mọi công việc, làm thủ tục cho anh xuất khẩu lao động. Nhờ có tay nghề kỹ thuật hàn điện, hơn 3 năm ở Malaysia, anh Huy có thu nhập cao hơn hẳn các lao động phổ thông làm cùng. Dành dụm trả nợ kinh phí xuất cảnh và tích lũy được chút vốn, cuối năm 2012, anh quyết định về nước tập trung phát triển kinh tế gia đình.
Tự biết mình không có khả năng kinh doanh buôn bán mà chỉ quen với việc nhà nông, anh Huy đắn đo rất nhiều trong việc đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Trong một lần dự lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà thịt tổ chức ở xã, anh rất tâm đắc với mô hình này vì thấy phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Sau buổi học, anh đã chủ động xin giảng viên địa chỉ liên hệ và cất công về Bắc Ninh, Bắc Giang tìm hiểu kỹ thuật nuôi gà tại các trang trại lớn trong suốt mấy tháng. Nghe, nhìn nhiều nhưng vẫn chưa thực sự yên tâm, anh xin vào làm công cho một trang trại, trực tiếp chăm sóc trọn vẹn lứa gà từ lúc nhập con giống đến khi xuất chuồng.
CCB Nguyễn Phương Huy chăm sóc lứa gà trống lông đỏ mới nhập dự định sẽ xuất bán đúng dịp Tết Nguyên đán năm nay
Nắm vững kiến thức, kỹ thuật cũng như các mối nhập giống, xuất bán sản phẩm, anh Huy mới quyết định mua 1,2ha đất đồi rừng và mấy mẫu ruộng, chuyển cả gia đình ra dựng nhà trại chăn nuôi gà thịt. Cẩn trọng từ khâu lựa giống, chăm sóc, lứa gà đầu tiên hơn 3.000 con xuất bán sau 4 tháng đã mang lại cho gia đình anh số tiền không nhỏ và quan trọng hơn là niềm tin, hy vọng vào thành quả, công sức lao động từ mô hình kinh tế mới. Thu lãi lứa này tái đầu tư lứa tiếp, đến nay gia đình anh đã có 2 dãy chuồng nuôi gà với quy mô 6.000 con mỗi lứa. Theo nhu cầu của thị trường, trong năm anh lựa chọn chăn nuôi giống gà ta, gà lai chọi; dịp cuối năm nuôi gà trống lông đỏ phục vụ nhu cầu làm gà lễ trong Tết cổ truyền. 7 lứa gà đã xuất chuồng, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu về cả trăm triệu đồng. Kinh tế gia đình ổn định, anh đang dự định tiếp tục mở rộng đầu tư quy mô trang trại với giống cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng cho hiệu quả kinh tế cao hơn…
Thành công bước đầu của mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế đất đồi rừng Ngọc Quan cùng tấm gương vượt khó, ý chí, nghị lực quyết tâm thoát nghèo trên chính đất quê của người cựu chiến binh khiến nhiều người dân quanh vùng cảm phục, học tập làm theo.